“Châu Phi nghìn trùng” là cuốn hồi ký với kết cấu phi thời gian của nữ nhà văn Đan Mạch – Isak Dinesen – người mà Earnest Hemingway từng kỳ vọng sẽ đoạt giải Nobel Văn học.
Năm 1913, Isak Dinesen theo chồng là Bá tước Bror Blixen-Finecke đến Kenya, theo chính sách tuyển mộ dân ngụ cư châu Âu qua làm ăn tại Đông Phi của thực dân Anh. Bà cùng chồng đại diện đứng tên quản lý và kinh doanh một đồn điền rộng sáu nghìn mẫu Anh. Diện tích đồn điền được dùng để trồng cà phê và một phần đất dành cho nơi sinh sống của người bản địa Kikuyu.
Cho đến ngày rời châu Phi vào năm 1931, Isak Dinesen có phần đời mười bảy năm nhiều hạnh phúc và cũng nhiều tuyệt vọng ở xứ bình nguyên. “Châu Phi nghìn trùng” ra đời năm 1937, là những hồi ức được kể lại sống động bởi cảm xúc chân thực, bởi tình yêu tràn đầy đối với cao nguyên Phi châu và con người bản xứ.
Không gì thuần Phi hơn người bản địa
Isak Dinesen từng được hỏi hà huống gì chẳng thấy viết về châu Phi, trong câu trả lời của bà có đoạn: “Trên bất kỳ phương diện nào, cuốn sách sẽ chẳng phải tài liệu tuyên truyền chính trị mà là tiếng nức nở lòng tôi, với đầy chua chát trước chế độ nông nô cũng nhiều như của nhà văn Turgheniev trong “Bút ký người đi săn”. Và chính vậy, cuốn sách bà viết về châu Phi, những hồi ức trong “Châu Phi nghìn trùng” được bà kể lại, mô tả lại với giọng văn mỉa mai xa xôi mà không trực tiếp nhận xét, đánh giá. Dù vậy, người đọc dễ thấy sự đối lập bi kịch giữa sự trầm lặng cố hữu của người dân bản địa với những ồn ào của người da trắng, của nền văn minh cơ khí mà người anh đang mặc sức triển khai tại xứ này.
Trong gần hai thập kỷ sống tại đồn điền ở Mombasa, Kenya, tác giả Isak Dinesen tiếp xúc, quan sát và có cái nhìn sâu vào bản tính, văn hóa của người dân Kikuyu, Somali và bộ tộc Masai láng giềng sống bên kia sông của đồn điền. Sự quan sát ấy dành cho mọi lứa tuổi và giới tính: trẻ nhỏ, người già, phụ nữ, những cô gái trẻ, những chàng thanh niên. Qua mỗi nhân vật trong câu chuyện của tác giả, tính cách châu Phi hiển hiện và dần dần hoàn thiện.
Dưới sự quan sát và cảm nhận của Isak Dinesen, người bản địa là châu Phi bằng xương bằng thịt, là sự thuần Phi hơn hết thảy những ngọn núi hùng vĩ, loài voi hay hươu cao cổ, hay giống cây Mimosa. Họ hòa hợp với xứ sở. Bà viết, “chính dân da trắng chúng ta, chân mang ủng, luôn sấp sấp ngửa ngửa, lại thường là hình ảnh bất tương hợp ở đây.” Isak Dinesen trích dẫn hai câu thơ khắc họa rõ nét cái đối lập giữa dân bản địa và dân nhập cư châu Âu “Tôi luôn gặp/Nét thanh cao nơi dân bản địa, và cái vô vị ở kẻ nhập cư.”
Những cuộc chiếm cứ, những cuộc đô hộ đều mang cái vẻ của công cuộc khai phá văn minh. Nhưng tất cả diễn ra trong lịch sử đều gắn liền với khai thác và bóc lột nặng nề. Dưới quyền bảo hộ của thực dân, sự hoang dã, trầm lặng của Châu Phi bị quấy nhiễu. Nền văn minh cơ khí tạo ra những tiếng ồn đột ngột, thét ré lên gây nên nỗi khiếp sợ cho người dân bản xứ.
Nhưng “khi một người bản xứ cảm thấy an toàn lúc ở bên ta, chẳng còn nơm nớp về các cử động đột ngột hay tiếng ồn bất chợt ta gây ra, họ sẽ chuyện trò cởi mở hơn nhiều so với người châu Âu với nhau. Dẫu chưa đáng tin hoàn toàn, nhưng nhìn chung họ khá thành thực. Sở hữu một danh thơm, tức có uy tín, là điều cực kì hệ trọng trong thế giới người bản xứ. Dường như họ đã cùng nhau, tại một thời điểm nào đó, đánh giá về bạn, và kết luận khi ấy sau này sẽ không được xem xét lại.”
Sự thuần Phi của người bản địa còn thể hiện ở việc họ không có vẻ gì quan tâm đến những khoa học mà Phương Tây vẫn luôn tự hào. Khoa học không tồn tại trong ý niệm của người bản địa. Và nền văn minh dường như chẳng thực hiện được sự “khai sáng” nào mà chỉ mang đến nỗi sợ hãi cùng sự cố tình tạo ra ranh giới lãnh thổ, sắc tộc và mặc sức vơ vét.
Hiện tượng Nhật thực Isak Dinesen kể đến trong sách, với người Kikuyu bản địa là bảy ngày ánh dương lụi tàn. Một lần, chứng kiến Isak Dinesen và Denys – người tình của tác giả hạ cánh máy bay trên thảo nguyên, cụ già Kikuyu hỏi hai người rằng, có thể thấy Chúa khi bay bằng máy bay không. Khi hai người đáp rằng không, cụ già nói rằng “Vậy thì, tôi chả hiểu hà cớ gì hai người cứ bay mãi thế”. Bay là giấc mơ, là bước tiến đầy hãnh diện của phương Tây, nhưng với cụ già Kikuyu, ta không cần gì phải bay bởi bay chẳng có nghĩa lý gì nếu không thể nhìn thấy Thượng đế.
Tác giả viết còn viết, “Trong các phát kiến của văn minh, người bản xứ chuộng nhất là diêm, xe đạp và súng trường, tuy nhiên họ vẫn sẽ lập tức vứt bỏ chúng khi có bất cứ luận bàn nào về loài bò.”
Người bản địa tự do và hoang dã như muông thú, họ cũng ít nhạy cảm hơn trước những mối hiểm nguy trong cuộc sống so với dân da trắng. “Họ cảm nhận cuộc đời như thể môi trường sống của riêng mình, tựa như các loài cá nước sâu suốt đời vô phương nhận thức nỗi sợ đuối nước.”
Người bản địa châu Phi sống hòa thuận với thời gian, họ không bao giờ nghĩ đến việc làm gì đó giết thời gian. Dưới quan sát của tác giả, càng cho họ nhiều thời gian họ càng vui. Và “nếu giao cho một người Kikuyu phận sự giữ ngựa nhằm vào thăm ai đó, bạn sẽ đọc được, trên gương mặt anh ta, niềm hi vọng bạn sẽ đi thật lâu, thật lâu. Anh ta chẳng cần phải nỗ lực chờ hết thời gian, chỉ việc ngồi xuống và vui sống.”
Một áng văn về thiên nhiên châu Phi nghìn trùng
Thiên nhiên hoang dã là một nửa linh hồn của đời sống Phi châu. Vì vậy, trong “Châu Phi nghìn trùng”, bên cạnh những mô tả về con người, xứ cao nguyên trong cảm nhận của tác giả cũng khiến người đọc đắm chìm. Trong phần đầu cuốn sách, Isak Dinesen viết lại cảm xúc những ngày đầu ở châu Phi: “Trên đây, giữa không trung, bạn hô hấp rất dễ dàng, hít vào lòng tự tin trước cuộc sống cùng tâm trạng nhẹ nhõm. Nơi vùng cao này, buổi sáng bạn thức giấc và tự nhủ: Ta đang được sống đúng chỗ phải sống.”
Đồn điền ở châu Phi của Isak Dinesen nằm cách mực nước biển hơn 1.800 mét. Như tác giả nói, “phong vị chủ đạo của miền này, và cuộc sống của bạn chốn đây, là khí trời”. Và chính ở độ cao này đã “phối tạo nên thứ khung cảnh có một không hai chốn trần gian.”
Ở nơi đây, bạn được nghe hơi thở của tự nhiên gần hơn bao giờ hết. Những chú linh dương có thể sống cùng con người, sư tử vẫn luôn lăm le bắt những con bò trong đồn điền, những đàn sếu vẫn bay trắng một khoảng rừng, những đàn trâu rừng, ngựa vằn hay hươu cao cổ vẫn thường được trông thấy đang dạo bước trên thảo nguyên. Hoa dại mọc dọc triền sông và một ngày ở những thời điểm khác nhau, thiên nhiên đều mang đến những vẻ đẹp ngạc nhiên. Và thưở ấy, tất cả vẫn còn đó cho nhịp sống hoang dã đặc trưng của châu Phi.
Nhưng châu Phi vốn khắc nghiệt như ta vẫn biết. Hạn hán, châu chấu là những mối đe dọa cho những vụ mùa. Đồn điền của Isak Dinesen nằm trên độ cao không thích hợp với trồng cây cà phê, và cùng với những năm hạn hán, dịch bệnh, đồn điền của bà bị phá sản.
“Châu Phi nghìn trùng” là hồi ức sống động và lay động về châu Phi. Những ký ức của tác giả tái hiện một châu Phi hoang dã, một châu Phi bạt ngàn thảo nguyên và một châu Phi hiện thực qua đời sống, tính cách người bản địa cùng mối quan hệ với người châu Âu da trắng hay nền văn minh phương Tây.