Đó là câu cuối cùng của cuốn sách “Điều kỳ diệu”, là lời mà người mẹ nói với August trên đường trở về nhà sau buổi tổng kết năm học đầu tiên của cậu bé. Và, “điều kỳ diệu” cũng là điều tôi thốt lên sau cuộc hành trình ngắn chìm vào những vui, buồn, hạnh phúc, xót xa với gần năm trăm trang sách.
Tác giả RJ.Palacio đã viết nên một cuốn sách kỳ diệu bằng tình yêu thương, sự tôn trọng, sự thấu hiểu và không trốn tránh phơi bày những góc tối trong trái tim con người. Và đúng như tờ nhật báo The Wall street Journal nhận định: “Điều kỳ diệu” có “Một cốt truyện đẹp, hài hước, xen lẫn những tiếng nấc nghẹn ngào”.
Cuốn sách được viết dưới lời kể của sáu nhân vật xưng tôi – August và những người có mối quan hệ thân thiết với cậu. August là cậu bé mười tuổi có khuôn mặt nhiều khiếm khuyết do một dạng rối loạn gen hiếm gặp (gen số 101). Cậu bé tự giới thiệu rằng: “Tôi sẽ không miêu tả về ngoại hình của mình đâu, cho dù bạn có cố hình dung kiểu gì đi nữa thì trông tôi còn tệ hơn thế nhiều”. Dù vậy, đó không phải là điều khiến August buồn phiền.
Cậu buồn phiền vì “trong sâu thẳm, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bình thường. Nhưng tôi biết một đứa trẻ bình thường không làm cho những đứa trẻ bình thường khác hoảng hốt chạy dạt ra rồi hét toáng lên trong sân chơi. Một đứa trẻ bình thường không bao giờ phải chịu những ánh nhìn tò mò ở bất kỳ nơi đâu chúng đặt chân đến.”
August phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, nên trong suốt những năm đầu đời, cậu bé không tới trường mà được mẹ dạy học ở nhà. Cho đến năm mười tuổi, August mới trở thành một cậu học sinh bằng việc vào học lớp Năm – năm học đầu tiên của bậc Trung học (Mỹ). Và năm học này là hành trình đầy khó khăn, nhiều nước mắt khi tất cả mọi người không thấy cậu là một đứa trẻ mười tuổi bình thường.
Nhưng đây cũng là một hành trình ý nghĩa, một hành trình trưởng thành, hành trình trao và nhận yêu thương, không chỉ của anh bạn bé nhỏ nghị lực August mà của cả gia đình cậu bé, của thầy hiệu trưởng Tushman, của những cô bé cậu bé tuổi lên mười và và của cả trường Beecher.
Đằng sau hành trình ấy ẩn chứa nhiều điều mà dù bạn là ai, một người mẹ, một người giáo viên, một người cha, một người chị, một người bạn; nhưng không, chẳng cần xét đến vai trò làm gì, cuốn sách sẽ cho bạn những cái nhìn khác, giúp bạn sẵn sàng trở thành một người biết thấu hiểu, giàu tình yêu thương ở bất cứ một hay nhiều vai trò khác nhau trong đời sống. Vì vậy, dù rằng tôi thấy cuốn sách là một gợi ý tuyệt vời dành cho những người làm cha mẹ, nhưng rõ ràng cuốn sách là điều đặc biệt dành cho tất cả mọi người.
Cuốn sách cho chúng ta bài học về cách ứng xử trước những sự khác biệt, về cách nuôi dưỡng những đứa trẻ. Cuốn sách khẳng định giá trị của giáo dục trường học, ở đó những người thầy là những người bạn chân thành và những người bạn cũng là những người thầy dạy ta nhiều điều. Bài diễn văn của Hiệu trưởng hay những câu châm ngôn của thầy dạy môn Ngữ Văn còn văng vẳng lời dặn dò về lòng tử tế, rằng “khi được chọn giữa có lý và tử tế, hãy chọn làm người tử tế”.
Và đặc biệt, cha mẹ của August là minh chứng sống động cho tình yêu thương vô điều kiện, cho sự chở che và hơn hết là luôn truyền thêm nghị lực sống cho đứa con gặp điều bất hạnh của mình. Cha mẹ của cậu bé đã yêu con bằng một tình yêu dịu dàng, sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu.
Khi tiết lộ và thừa nhận đã vứt chiếc mũ phi hành gia yêu thích của cậu con trai, người bố nói rằng: “Con đội cái mũ ấy quanh năm suốt tháng. Và sự thật, rất, rất, rất, rất thật là: bố nhớ khuôn mặt con vô cùng, Auggie à. Có thể con không thích khuôn mặt của mình, nhưng con phải hiểu… bố yêu nó. Bố yêu khuôn mặt này của con, Auggie, yêu vô cùng, yêu trọn vẹn. Bố đau lòng ghê gớm khi thấy cái mũ ấy không rời con một giây phút nào”.
Tôi cũng thật ấn tượng với nhân vật Via – chị gái của August trong cuốn sách – nhân vật với nhiều diễn biến tâm trạng chân thật của con người. Đó là tâm lý của một cô bé trong giai đoạn trưởng thành. Đó là sự chạnh lòng khi mối quan tâm của bố mẹ đều xoay quanh cậu em trai. Đó là cảm giác “Khiếp sợ. Kinh tởm. Hãi hùng” xuất hiện trong thoáng chốc khi nhìn em trai sau bốn tuần trở về nhà từ nhà bà ngoại. Nhưng hơn hết, Via là một cô bé hiểu chuyện. Luôn tự sắp xếp mọi việc của bản thân, “thu dọn đồ chơi thế nào, tổ chức cuộc sống của mình ra sao để không quên tiệc sinh nhật bạn bè, làm thế nào để luôn đạt điểm cao để không bị tuột hạng trong lớp”, để không làm phiền bố mẹ.
“Điều kỳ diệu” cũng mang đến một thông điệp rằng, mỗi người đều có khiếm khuyết, dù ở ngoại hình hay tâm hồn. Nhưng tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc khi luôn có tình yêu và lòng tử tế. Vì vậy, đây không chỉ là một câu chuyện về tình yêu, về lòng trắc ẩn mà cuốn sách còn truyền đến người đọc niềm lạc quan, tin yêu vào những tốt đẹp của cuộc sống.
Tác giả của cuốn sách – RJ. Palacio là một nhà thiết kế đồ họa, một nhà văn. Bà sống ở New York cùng với chồng và hai con trai. “Điều kỳ diệu” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà.
“Điều kỳ diệu” ra đời vào năm 2012 và đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy của tạp chí New York Times trong nhiều tuần liền. Tại Việt Nam, cuốn sách chuyển ngữ bởi dịch giả Sao Mai và được phát hành bởi NXB Trẻ. Lần xuất bản này là lần in thứ 8 của cuốn sách.