Khi tiết trời còn mang vị lạnh của mùa đông nhưng đã phảng phất hơi ấm của mùa xuân, khi cơn mưa đông bỗng kéo dài hơn, không khí se khô pha lẫn vị nồm nồm là lúc lòng người trở nên bộn rộn, ráo riết không yên; vì một cái Tết nữa sắp đến.
Ở thành phố này, qua những ngày đầu của tháng mười một âm lịch là tiếng nhạc Tết, nhạc xuân xập xình nổi lên trong các cửa hiệu lớn, bé. Sang tháng Chạp, người qua phố đã thấy lòng nao nao nghĩ về vị Tết quê nhà. Càng giáp Tết, niềm vui lớn dần mà nỗi buồn cũng không bé lại. Là bởi người được trở về đoàn tụ cùng gia đình, kẻ còn tha hương nơi đất khách. Và đôi khi, những hào nhoáng, hiện đại nơi phố thị che lấp mất niềm háo hức được về quê ăn Tết ngày nào. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn tin vào sức mạnh của giá trị truyền thống như vị Tết quê nhà có thể níu giữ và thứ tha những tâm hồn đi lạc. Và tôi vẫn mong, một Tết năm nào gần thôi, tôi được về lại sum vầy bên cha mẹ, bên những đứa em trong bữa cơm giao thừa.
Xa quê chẵn mười năm, là mười năm tôi ăn Tết nơi xứ người. Và trong suốt ngần ấy thời gian, cứ vào những ngày quá giữa tháng Chạp là tôi nhớ nhà da diết. Bởi từ lúc này, không khí chuẩn bị Tết ở quê đã bắt đầu rộn ràng lắm.
Tôi nhớ giọng của chú Ngần khi đi qua ngõ thấy bố đang sơn lại cánh cửa nhà, gọi với vào hỏi thăm, “Tết nhất về đến đâu rồi chú Toán?”. Bố luôn cười vui vẻ đáp, “về đến đầu ngõ rồi bác ơi”. Những câu thoại ấy được thay tên rồi cứ lặp đi lặp lại khắp đầu làng cuối xóm cho đến ngày hăm tám hăm chín Tết mới thôi. Đi xa, tôi vẫn nghe thấy chúng vang lên trong tâm tưởng và luôn mong được nghe lại thật rõ, thật gần.
Tôi nhớ một buổi trưa ngày hăm hai, mẹ mang về mấy xấp lá dong tươi xanh tìm hái được ở cánh rừng phía Đông Nam cùng với khúc nứa với hai đốt dành làm lạt buộc bánh Chưng. Thời gian này bố cũng mang xe trâu kéo về những gộc củi khô để ngày ba mươi đun bếp lò luộc bánh. Rồi những ngày tiếp theo mẹ đi chợ sắm sửa. Bố mẹ làm việc quần quật cả năm, chỉ mong sắm được cái Tết tươm tất, đủ đầy cho con cái nên đến ngày ba mươi tính ra mẹ phải đi chợ làm mấy bận.
Những ngày giáp Tết, đời sống ở quê như mang một âm hưởng khác, tất bật mà tươi vui, dẫu rằng những năm mất mùa nỗi lo toan hằn lên trong mắt bố, trong mắt bác Bảy và trên mái đầu hoa râm của cậu Tám. Nhưng sau cùng, sẽ chỉ còn những ký ức vui tươi, đầm ấm đọng lại. Ký ức ấy như tiếng rộn ràng nói cười của mấy cô, mấy dì từ ba bốn giờ sáng đã gánh bắp cải su hào ra chợ bán. Như niềm háo hức của đám trẻ được theo bà, theo mẹ đi chợ Tết. Như ngày hăm chín nhà nhà bận rộn gói bánh Chưng, làm nem rồi nẹp giò. Tiếng chày giã lá giềng, tiếng chặt xương sườn xương ống xua tan những khốn khó ngày thường.
Và trong sâu thẳm, tôi khắc sâu cái mùi Tết quê để dẫu bao năm cách xa hay khi tâm trí đã hoen ố màu thời gian, tôi vẫn còn lại thứ mùi ấy để nhớ về nguồn cội. Thực lòng đó là thức mùi không gọi được thành tên. Chỉ biết đó là mùi lá dong trộn lẫn cùng mùi gạo nếp và mùi thịt ướp tiêu. Đó là mùi khói bếp nồng nồng hăng hắc của củi gộc trong bếp luộc bánh Chưng của bố. Là mùi nồi nước lá bưởi mẹ đun cho cả nhà tắm để đón năm mới thơm tho, may mắn. Là mùi ngái xanh của mấy bó ngọn mía chị em tôi lấy về dự trữ cho trâu ăn mấy ngày Tết. Là mùi quần áo mới, mùi tất mới. Là mùi thính gạo, mùi lá ổi. Mùi hương khói bâng khuâng. Mùi của bếp than hồng bà chắt chiu suốt cả năm để lúc này nhóm lên lửa ấm.
Mùi Tết ấy còn là mùi của nồi cá kho giềng nức vị nước mắm mẹ kho từ ngày hăm bảy. Rồi thứ mùi chua chua tôi vẫn hay thèm của vại dưa cải nén, để những ngày ra Giêng khi mùa rau vừa hết bố mẹ có cái ăn để đi làm nương rẫy. Bình dưa hành mẹ muối chiều hăm tám cũng vừa ngon khi vào Tết. Nhưng hơn tất thảy là mùi của tình thương gia đình nồng ấm, mùi nghĩa tình của xóm giềng, mùi thấu hiểu thứ tha cho nhau khi năm mới sắp đến, còn là mùi lo toan nhọc nhằn của bố mẹ suốt những tháng ngày dài. Tất cả những mùi ấy gom góp lại thành mùi Tết, dù rất đậm lại thoang thoảng thơm, nó làm dịu mát những phần sau cuộc đời của người đi xa cả người luôn ở lại.
Rồi sẽ chẳng có ngày nào người ta rạo rực mà bâng khuâng, háo hức mà hồi hộp như chiều 30 mươi Tết. Khi cả nhà đã tắm gội thơm tho bằng nước lá, khi nồi bánh Chưng sắp chín, khi bài khấn cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết của bố vừa kết thúc, mùi hương trầm phảng phất lan tỏa khắp không gian; là Tết đã vào đến nhà. Cho đến khi những nén nhang đầu tiên tàn đi, là một khoảng trầm lắng diễn ra. Đến độ tôi nghe rõ tiếng nụ hoa đào bung nở, đóa quỳnh trắng bắt đầu bật tách chờ đợi thời khắc được xòe cánh tỏa hương, chú chó vàng cũng ngoan ngoãn nằm yên ở một góc sân. Cái đoạn thời gian đặc biệt ấy qua đi, bố thắp nén nhang mới, cả nhà sẽ quây quần cười nói bên mâm cơm. Mẹ gắp cho tôi miếng thịt cá chắc nịch. Ngoài ngõ đám trẻ đã mặc những bộ đồ mới đứng quẹt quẹt mấy que pháo diêm ném ra giữa đường rồi chạy vụt đi.
Nhưng vẫn còn một thời khắc nữa để năm cũ hoàn toàn kết thúc. Từ tám giờ tối bố sẽ làm gà cúng giao thừa, tôi cùng mẹ làm món bánh trôi nước như một món truyền thống không thể thiếu, hai đứa em chia nhau quét lại sân, lau lại cái bàn. Rồi giờ phút chuyển giao cũng đến. Bố cúng giao thừa trong tiếng vị Chủ tịch nước chúc Tết đã giảm âm lượng. Mẹ cùng chúng tôi theo dõi màn hình tivi vừa lắng tiếng pháo nổ trộm của đám thanh niên trong làng. Tôi vẫn giữ thói quen ra ngoài sân sau đó, nhìn ngắm đất trời trong thời khắc chuyển giao. Một màu đen đặc nhưng lại mở ra không gian rộng lớn, mưa phùn lất phất bay báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa theo quan niệm của ông bà xưa. Bố sẽ mừng tuổi mẹ rồi từng đứa chúng tôi, chúc tuổi mới mạnh khỏe, chăm ngoan. Hồi ông nội còn sống, những đồng xu được ông mừng tuổi cứ xúc xắc trong túi như những reo vui…
Thời gian trôi, mùi vị Tết vẫn như còn thơm mới mà những Tết được sum vầy cùng cha mẹ, em út thì đã thành cũ.