Tiết trời vào thu, khi những cơn mưa cuối cùng của mùa hạ ngớt dần là lúc nương lúa ở Y Tý, Bát Xát, Lào Cai nhuộm vàng một màu bội thu. Đây cũng là thời điểm thích hợp để khám phá vùng sơn cước mang nỗi buồn bình yên này.
Một ngày giữa tháng 9, vượt qua những đoạn đường dốc đá lởm chởm và còn tràn lan những ụ đất do sạt lở từ đợt mưa lớn vừa qua, chúng tôi đến với Y Tý hằng mong thoả mãn ước muốn được đắm chìm giữa thiên nhiên hùng vĩ thơm mùi lúa chín của miền sơn cước. Và không bị làm cho thất vọng, Y Tý khiến chúng tôi trầm trồ không ngớt vì vẻ đẹp đáng ngạc nhiên trên suốt những cung đường.
Là một xã miền núi thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Y Tý nằm trên vùng núi đá có độ cao khoảng 2.000m so với mặt nước biển, bao gồm 15 thôn bản, chủ yếu gồm các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì. Cùng với Sa Pa, năm 2016, ruộng bậc thang ở Y Tý được Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản danh lam thắng cảnh của Việt Nam.
Có mục sở thị mới thấy hết vẻ đẹp đến mê hồn của những thửa ruộng bậc thang nơi đây. Từ trên đỉnh cao, giữa hương lúa phảng phất vị thơm ngọt phóng tầm nhìn xuống những thung lũng, sang những dẻo núi cao rộng lớn óng ánh màu xanh, vàng xen kẽ mang đến cảm giác khoan khoái giúp chúng tôi tạm thời bỏ lại sau lưng những bon chen phố thị. Và hơn thế, tôi càng thêm yêu từng mảng địa hình khác nhau của đất nước.
Y Tý mùa thu không chỉ nổi bật giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ bởi những triền lúa vàng, mà còn gây ấn tượng với hình ảnh mây vờn đỉnh núi, mây lảng bảng quấn lấy người đi đường qua từng con dốc. Nếu đêm qua mưa thật to thì sáng ngày mai những đụn mây trắng sẽ ngộn ngộn kéo đến bao phủ những tán cây, những triền đồi. Lúc này bạn sẽ cảm thấy, “sống trên mây” là có thật, thiên đường là có thật.
Trên cung đường đến với bản cao như Ngải Thầu Thượng, những khóm hoa mua tím, hoa dại màu hồng, màu vàng đua nhau nở khiến rừng núi rộn ràng, vui tươi như những bản tình ca của chàng trai, cô gái Tây Bắc trong ngày hội. Đâu đó, trên nương lúa, tiếng hát vọng ra từ chiếc đài đặt trên tảng đá lớn hòa cùng tiếng xoẹt xoẹt từ việc cắt lúa tạo ra thanh âm của một “mùa vàng” bội thu.
Một điểm đặc sắc không thể bỏ qua khi đến với Y Tý là ghé thăm những ngôi nhà trình tường mang đậm bản sắc của người Hà Nhì. Những ngôi nhà này được làm bằng đất vàng ruộm như màu rơm và xinh xắn như những cây nấm khổng lồ mọc bên sườn núi. Nhà trình tường không có hiên, khung dáng hình vuông, mái nhà có dốc ngắn và gồm 4 mái được lợp bằng cỏ gianh. Tường nhà được đắp dày từ 40 – 45 cm, trong lõi có xếp đá cỡ nắm tay, cao khoảng 4 – 5 m, giúp cho người Hà Nhì giữ ấm tốt, tương thích với thời tiết lạnh giá ở cao nguyên Y Tý. Giữa ngôi nhà là cửa ra vào chính, và có thêm cửa phụ ở đầu hồi bên trái hoặc bên phải để ra phía sau. Sau cửa là bếp và giường ngủ. Diện tích của nhà trình tường nơi đây khoảng 60 – 80m vuông.
Để phòng tránh thiệt hại lớn do thiên tai, khi làm nhà trình tường, đồng bào các dân tộc ở Y Tý thường tránh những nơi đồi núi trọc, gần khe suối, nơi thường xảy ra lở đất, lở đá. Nếu gặp lốc và gió xoáy, thì ngôi nhà chỉ bị tốc mái, còn bốn bức tường vẫn vững chắc.
Người Hà Nhì rất chăm chút cho ngôi nhà của mình. Sau mỗi mùa vụ, họ thường tu sửa hoặc bắt tay vào làm nhà mới thay cho nhà cũ đã xuống cấp. Những ngôi nhà vuông vắn, xinh như cổ tích đã tạo thêm sức hút cho vùng núi cao Y Tý xa xôi này.
Bên cạnh những thung lũng vàng, rừng xanh hùng vĩ hay nhà trình tường độc đáo, chợ phiên ở Y Tý cũng mang đến những trải nghiệm thú vị cho người ở phố lên núi cao. Chợ phiên Y Tý mỗi tuần chỉ họp một lần vào ngày cuối tuần (thứ 7). Cũng như những chợ phiên vùng cao khác, hàng hóa được người dân trao đổi, mua bán chủ yếu là nông sản họ tự làm ra. Màu xanh của rau củ, màu xanh của chiếc khăn lam quàng lên mái tóc tết giả bằng len của người Hà Nhì và sắc màu thổ cẩm rực rỡ của các dân tộc Mông, Dao tạo nên một ngày hội đặc sắc và duyên dáng của đồng bào các dân tộc nơi đây chứ không đơn thuần là một phiên chợ mua bán hàng hóa.
Nhưng sau tất cả những trải nghiệm, điều sẽ mãi ở lại trong ký ức một thời rong ruổi của tôi về Y Tý là trên cái nền vàng tươi sáng của cảnh sắc hay trong vẻ rộn ràng của ngày chợ phiên lại bao trùm một vẻ trầm buồn, lặng im của con người nơi đây. Từ những em bé, những cụ già đến những cô gái, những người phụ nữ địu con trên khuôn mặt, trong đôi mắt đều hiện lên vẻ cô đơn như vốn là thứ hồn riêng của người con của núi rừng vùng biên ải.
Đến với Y Tý, trong niềm hân hoan trước phong cảnh và trong vẻ bình yên của cuộc sống nơi đây vẫn luôn phảng phất nỗi buồn bâng khâng như dáng vẻ những thiếu nữ chiều chiều đứng bên sườn đồi nhìn xa xăm về phía thung lũng, hay những em bé chân trần quẩn quanh với ngôi nhà cùng đàn lợn được thả rong. Nhưng có lẽ, đây mới chính là Y Tý nhiều người cần biết đến.
Chúng tôi kết thúc chuyến hành trình đến với Y Tý bằng cung đường ngược lên đèo Ô Quy Hồ rồi về thị trấn Sapa sương lạnh. Nơi đó, những ồn ã của cuộc sống thị thành dần xuất hiện. Nhưng tôi vẫn mải nghĩ về Y Tý với vẻ đẹp của một “nàng thơ” mùa lúa chín và với dáng dấp một nỗi buồn bình yên. Tôi tự mình đắn đo, liệu rằng mai kia Y Tý giàu hơn với nhiều dịch vụ như miền xuôi có phải sẽ không còn giữ được điệu buồn ấy! Hay thôi Y Tý hãy buồn như thế, để giữ lấy cuộc sống bình yên mà những đổi thay từ công nghiệp hóa, từ hội nhập không thể gây hấn…
Tháng 9 mùa thu năm 2019.