FOMO – sợ bỏ lỡ là một chứng lo âu xã hội xuất phát từ niềm tin rằng những người khác có thể đang vui vẻ và tận hưởng cuộc sống. Tâm lý sợ bỏ lỡ được đặc trưng bởi mong muốn duy trì kết nối liên tục với những gì người khác đang làm, đang trải nghiệm.
Nhiều bậc cha mẹ quá mệt mỏi nói đùa rằng, con cái họ bị FOMO – nghĩa là “sợ bỏ lỡ”. Bởi vì chúng không chịu đi ngủ – chúng muốn thức với cha mẹ và tại sao phải đi ngủ khi chúng có thể thức và tham gia những trò vui của cha mẹ chúng lúc đêm khuya. (mặc dù bọn trẻ không thực sự có nhiều niềm vui khi đã kiệt sức!)
FOMO là cụm từ viết tắt của Fear Of Missing Out. FOMO – sợ bỏ lỡ là một chứng lo âu xã hội xuất phát từ niềm tin rằng những người khác có thể đang vui vẻ và tận hưởng cuộc sống. Nó được đặc trưng bởi mong muốn duy trì kết nối liên tục với những gì người khác đang làm, đang trải nghiệm. FOMO cũng được định nghĩa là nỗi sợ hối tiếc, có thể dẫn đến lo ngại rằng mình có thể bỏ lỡ cơ hội giao tiếp xã hội, trải nghiệm mới lạ, một sự kiện đáng nhớ hoặc một khoản đầu tư sinh lời.
FOMO đang ngày càng phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt là những người dùng mạng xã hội. Hãy xem FOMO như một hành vi của con người và dưới đây là những cách chúng ta có thể “chiến đấu” với nỗi sợ bỏ lỡ mà không cảm thấy cô đơn.
Không phải mọi thứ bạn thấy trên mạng đều là thật
Đừng để nỗi sợ bỏ lỡ cản trở hạnh phúc riêng của bạn. Chỉ bởi vì trên mạng xã có vẻ như bạn bè bạn, những người nổi tiếng hay những người hoàn toàn xa lạ đang tận hưởng cuộc sống và có những trải nghiệm tuyệt vời – và điều đó khiến bạn ghen tỵ – không có nghĩa là họ thực sự hạnh phúc. Không phải mọi thứ bạn thấy trên mạng đều là thật.
Làm thế nào bạn biết mình gặp phải nỗi sợ bỏ lỡ? Ví dụ, giả sử tiền thì khó kiếm, bạn phải làm việc vô cùng bận rộn, bạn ăn không ngon, cảm giác như cuộc sống của bạn đang bế tắc, và bạn không biết chắc phải làm gì “tiếp theo” trong cuộc sống riêng mình. Rồi bạn kiểm tra Facebook hoặc Instagram và nhận thấy hai người bạn (họ thực sự là bạn của bạn hay chỉ là người mà bạn biết trên mạng xã hội?) đang cùng cụng ly margarita trên một con thuyền lạ mắt. Họ cười thật tươi, họ TRÔNG thật tuyệt với làn da phủ sương và đôi mắt lấp lánh, cuộc sống của họ dường như rất tuyệt vời. Bỗng nhiên, bạn thấy ghen tỵ. Tại sao họ có một ngày vô tư vui vẻ trên mặt nước, trong khi bạn đang ở nhà và stress như thường lệ? Họ không có bất kỳ vấn đề nào sao? Bỗng nhiên, cuộc sống của họ trông tuyệt vời làm sao, còn cuộc sống của bạn… thì không.
Đó chính là FOMO – nỗi sợ bỏ lỡ. Theo Tạp chí Time, đôi khi FOMO được mô tả không chỉ theo nghĩa rằng bạn có thể làm nhiều thứ hơn trong cuộc sống của mình; mà nó còn là cảm giác như “cuộc đời thật ngắn ngủi” và bạn đang bỏ lỡ những khoảng khắc quan trọng mà người khác đang trải qua. Bạn có thể suy nghĩ về những thứ như, tại sao mình tăng những 15 Lbs (đơn vị đo khối lượng của Anh, tương đương gần 7kg) trong 3 tháng, tại sao mình phải làm thêm giờ, tại sao mình phải hủy kỳ nghỉ của mình, và tại sao mình lại độc thân? Và những cảm xúc choáng ngợp này bị tích tụ theo thời gian bởi những bức ảnh “hạnh phúc” của người khác trên mạng xã hội.
Đối mặt với nỗi sợ bỏ lỡ ra sao?
Tại sao mọi người lại trải qua nỗi sợ bỏ lỡ? Bởi vì không hạnh phúc với cuộc sống của chính họ và/hoặc khao khát sự kết nối – và đó là điều bình thường. Tất cả chúng ta đều có những giây phút không hạnh phúc hoặc rất căng thẳng, hoặc có lúc tự hỏi rằng tại sao không có điều gì “thú vị” đến với chúng ta.
Theo các chuyên gia, không có gì đáng ngạc nhiên, khi thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội thường xuyên gặp phải nỗi sợ bỏ lỡ. Tuy nhiên, đáng nói là, FOMO lại hoạt động như một cơ chế kích thích việc sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.
Nghĩa là, nếu bạn cảm thấy không hài lòng, rất có thể bạn sẽ dành nhiều thời gian trên các trang mạng xã hội – và về cơ bản, bạn trở nên nghiện dùng máy tính hay điện thoại với hy vọng giảm bớt sự buồn chán… nhưng thay vì giải tỏa được buồn chán, bạn đang gặp phải nỗi sợ bỏ lỡ.
Những cách giúp bạn vượt qua FOMO
Nếu bạn đang ở trạng thái tâm lý sợ bỏ lỡ, dưới đây là một số cách giúp bạn vượt qua:
Rời xa mạng xã hội: Bạn buồn và mệt mỏi vì thấy tất cả những người trên mạng xã hội hạnh phúc, rạng rỡ? Bỏ theo dõi họ hoặc tạm thời vô hiệu hóa tài khoản của bạn. Không cần phải nói, bạn càng dành ít thời gian trên các trang mạng “tương tác”, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều. Nói dễ hơn làm, nhưng hãy xem bạn cảm thấy dễ chịu hơn bao nhiêu nếu không để thời gian và tâm trí bị cuốn vào các trang mạng xã hội.
Thực hành biết ơn: Tốt thôi, có thể trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bạn không có thứ mà người khác có, nhưng hãy biết ơn những gì bạn đang có. Một mái nhà che chở bạn? Người bạn tốt nhất? Một chú cún? Đối với một số người, thì bạn đang có những gì mà họ muốn. Hãy trân trọng những điều nhỏ bé lẫn lớn lao bạn có trong đời thay vì những gì bạn thiếu. (Và nhớ rằng, những gì bạn thiếu chỉ là nhất thời.)
Viết nhật ký: Nếu bạn đang đối mặt với nỗi sợ bỏ lỡ, hãy cân nhắc viết nhật ký và viết xuống tất cả những cảm xúc của bạn. Đây không chỉ là liệu pháp cho cơ thể, tâm trí, tâm hồn và mang lại cho bạn sự minh mẫn, mà việc đặt bút viết còn giữ bạn tránh xa những cái “lỗ thỏ” trên các trang mạng. Bạn cũng hãy dành chút thời gian xem lại những bức ảnh về những kỷ niệm tuyệt vời – từ một chuyến du lịch hoặc một ngày với người bạn thân của mình – như một lời nhắc nhở rằng bạn đã có những khoảnh khắc đặc biệt khiến bạn ấm lòng.
Gặp trực tiếp ai đó: Thay vì tìm kiếm sự kết nối trực tuyến, nơi mà chỉ làm tăng thêm cảm giác cô đơn, hãy gặp mặt trò chuyện với một người bạn tốt hay một người thân trong gia đình. Điều này không chỉ giúp cho đầu óc bạn bận rộn và tránh xa mạng xã hội, mà cảm giác cô đơn chỉ là một sự nhắc nhớ lành mành mạnh về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa người với người. Ngoài ra, nếu bạn định ra ngoài ăn trưa hay ăn tối với một người bạn, rất có thể bạn sẽ có một khoảng thời gian vui vẻ và cảm thấy tốt hơn – và tiếp tục tránh xa mạng xã hội. Giữ cho mình bận rộn có thể là một điều tuyệt vời, giúp nâng cao tinh thần của bạn.
Giúp đỡ người khác: Nếu bạn cảm thấy buồn và gặp phải nỗi sợ bỏ lỡ, hãy giúp đỡ người khác. Tất nhiên, điều này giữ cho bạn bận rộn, nhưng cũng khiến người khác vui vẻ – và đó chính là bí quyết bí mật để chống lại nỗi sợ bỏ lỡ. Bạn có thể đề nghị trông trẻ cho một người hàng xóm hay dành một ngày tình nguyện thu thập hộp đựng thức ăn cho ngân hàng thực phẩm. Khi bạn thấy vui, trái tim bạn bay bổng – và một lần nữa, bạn quá bận rộn để bị ảnh hưởng bởi những nỗi lo âu từ mạng xã hội.
Không phải mọi thứ bạn thấy đều là thật: Về cơ bản, nhắc nhở bản thân rằng những hình ảnh mọi người đang tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất hầu như chỉ là vẻ bề ngoài – không phải lúc nào cũng thực. Rất có thể, bạn chẳng biết gì về những điều thực sự đang diễn ra trong cuộc sống của họ – niềm vui, những rủi may hay những điều tồi tệ. Nhắc bản thân rằng mọi người đều đang phải vượt qua điều gì đó. Không ai dễ dàng, dễ chịu cả đời. Mạng xã hội có thể thú vị, nhưng cũng rất tốt nếu bạn ngừng sử dụng để giữ gìn sức khỏe tinh thần của mình.
Ngoài ra, việc so sánh bản thân với người khác là tự hủy hoại bản thân. Loại bỏ FOMO trước khi nó xảy đến bằng cách nhắc nhở bản thân về tất cả những điều tốt đẹp bạn có. Điều này có vẻ sáo rỗng, nhưng đúng, hãy tập trung vào những điều tích cực. Hãy biết ơn những điều, những người bạn có trong đời. Nếu bạn thực sự cảm thấy ghen tị, hãy cân nhắc gặp bác sĩ tâm lý, bởi FOMO là một tình trạng thực tế, có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn, ngủ của bạn. Thậm chí nó có thể gây ra trầm cảm.
Hãy thay đổi cách nhìn!
Việc thay đổi cách nhìn cũng giúp ngăn chặn và chống lại FOMO. Kristen Fuller – bác sĩ, chuyên gia về sức khỏe tâm thần của Psychology Today đã nói về từ viết tắt JOMO: Niềm vui khi bỏ lỡ.
Cô mô tả JOMO là “liều thuốc giải độc thông minh về mặt cảm xúc và điểm cơ bản là sự hiện diện và sự hài lòng của bạn với hiện tại cuộc sống”. Cô nói thêm rằng, JOMO không chỉ giúp mọi người thoát khỏi thế giới mạng xã hội – nơi có thể độc hại – mà còn giúp họ tìm thấy sự bình yên nơi nội tâm trong khi tập trung vào các mối quan hệ giữa người với người.
Vì vậy, hãy tắt điện thoại, máy tính, dành thời gian tận hưởng không khí tuyệt vời bên ngoài và không cho phép FOMO quấy nhiễu cuộc sống của bạn. Tập trung vào chính mình và nhớ rằng cuộc sống của người khác chỉ là ảo ảnh. Cuộc sống rất ngắn ngủi, liệu bạn sẽ nhìn lại và ước mình đã dành nhiều thời gian máy tính?
Theo Goalcast.