“Một thiên tiểu thuyết chứa đựng cả sự lãng mạn và bi kịch, cả đời sống cá nhân và những tham vọng chính trị, cả sự tàn ác của chiến tranh và những điều bị tước đoạt” – Independent.
Sự kiện kết thúc cuốn sách là sau gần 2 năm Mỹ tuyên chiến với khủng bố Al-Queada và tiến công vào Afghanistan – nguồn cơn là vụ tấn công vào hai tòa tháp Bắc và Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới ở Lower Manhattan. Gia đình Laila, Tariq và hai đứa trẻ trở về Kabul từ Pakisan. Và khi ấy, Laila thường nghe người ta nói chuyện trên đường phố Kabul về việc Taliban dần trở lại. Hẳn rằng đó là nỗi lo thường trực với những người đã chịu nhiều mất mát, đau thương như Laili.
Nhưng Taliban đã thực sự trở lại rồi – 18 năm sau khi Laila có được gia đình của riêng mình và sau 14 năm “Ngàn mặt trời rực rỡ” được xuất bản. Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào giữa tháng 8/2021. Taliban hứa hẹn trên truyền thông về một đất nước Afghanistan tốt đẹp, cởi mở về giáo dục đối với nữ giới. Đó là niềm hy vọng của bất kỳ ai biến đến vấn đề của đất nước nhiều đau thương này. Dẫu vậy, cho đến hiện tại, Tanliban vẫn chưa cho phép nữ sinh trung học quay lại trường.
Mình tự hỏi, Laila, Tariq có còn sống không? Sau gần 20 năm. Có lẽ là còn. Vì đến nay họ cũng chỉ ngoài 40 tuổi mà thôi và Kabul những năm tháng qua có vẻ cũng bình yên hơn khoảng thời gian lịch sử u tối trước khi Mỹ vào. Và nếu còn sống, có lẽ họ cũng không quá ngỡ ngàng vì đã nhiều đau thương, nhiều lần tan nát trái tim trong quá khứ. Nhưng cũng không hẳn, con người ta còn yêu thương là còn có thể đau đớn nhiều thêm nữa. Liệu rằng gia đình Laila có thể đi khỏi Kabul giữa cơn đau bao trùm lên đất nước họ vừa qua không? Mình không dám nghĩ về việc số phận của họ là sự lặp lại cảnh bố mẹ, bạn bè bị xé nát, chôn vùi bởi tội ác chiến tranh trong quá khứ.
Mình đã khóc nhiều khi đọc cuốn sách này. “Một thiên tiểu thuyết chứa đựng cả sự lãng mạn và bi kịch, cả đời sống cá nhân và những tham vọng chính trị, cả sự tàn ác của chiến tranh và những điều bị tước đoạt” – câu nhận xét được trích ở đầu sách này cũng là cái nhìn của mình về cuốn sách.
Giữa chiến tranh tàn khốc, tôn giáo nghiệt ngã, tình yêu vẫn luôn sống dậy. Tinh yêu đôi lứa, tình thân gia đình, tình người, lòng yêu mến từ sâu trong trái tim giúp con người đứng vững trước cái ác, trước đớn đau. Như Laila nghĩ sau khi đã trở lại Kabul, sau tất cả, lúc nhìn lại cô kinh ngạc khi mình vẫn còn sống sót và ngồi nghe ông tài xế taxi kể chuyện. Mình tự hỏi, người ta vẫn xem tử vi về số phận con người, nhưng có nói được rằng họ phải trải qua những nỗi đau nào, phải trải qua bao nhiều cuộc chiến tàn khốc? Chúng ta dường như bất lực. Chỉ có ấm ức và bực bội khi nghĩ bao giờ Afghanistan được bình yên, bao giờ người dân nước này được hạnh phúc, bao giờ phụ nữ và trẻ em trên đất nước họ được đối xử công bằng?
Như cái nhận xét nêu trên, dẫu khổ đau, con người cũng sẽ tìm thấy điểm tựa ở tình yêu, ở niềm tin. Có điều, không phải tất cả mọi người đều vậy. Ở Afghanistan trước 2001, và lúc này, có bao nhiêu người may mắn tìm lại được người yêu, xây dựng được một gia đình như Laila, Tariq. Và cuộc đời của Mariam, như cô nói, phần lớn Thượng đế tàn nhẫn với cô, nên mình thầm nghĩ, cái chết là sự giải thoát. Vào lúc trước khi bị bắn, cô thấy mình khao khát sống và khao khát nhiều điều, nhớ về thời thơ ấu bên mẹ và những bài học người giáo sĩ già Faizullah đáng kính dạy cô. Nhưng đồng thời cô cũng bình thản đối diện với cái chết. Mình ức nghẹn và cũng vui về điều đó. Mariam đã có được tình yêu thương, niềm hy vọng và khát khao ở cuộc sống trước khi chết đi.
Sau cùng mình khóc thành tiếng khi kết thúc bức thư Jalil – người bố từng vì danh dự mà không dám mở cửa đón Mariam vào nhà, để lại cho Mariam trước khi ông mất.
Và sau cùng, mình cầu nguyện cho Afghanistan rồi sẽ được bình yên, cho những gia đình như gia đình của Laila được bình an, phụ nữ và trẻ em Afghanistan được đi học, đi làm, được tự do. Và “Mariam thân yêu”, mong một kiếp sống mới hạnh phúc cho cô với tình yêu thương từ cha mẹ, từ người chồng và những đứa con đáng yêu. Cô mãi là “ngàn mặt trời rực rỡ” trong trái tim Laila và trong trái tim người đọc.
Cảm ơn tác giả Khaled Hosseini vì “Ngàn mặt trời rực rỡ” và cả “Người đua diều”. Xin chia sẻ nỗi buồn đau khi nghĩ về dân tộc mình cùng ông.
Sài Gòn chiều mưa, 19/8/2021.