Tên thật của xóm này là Xóm Ngã Ba, nhưng đã lâu lắm rồi người ta không gọi bằng cái tên ấy nữa, mà gọi là Xóm Không Chồng. Xóm Không Chồng được người ngoài gọi rồi người trong xóm nghe riết thành quen, đến một ngày họ cũng tự mình thốt ra cái tên ấy khi giới thiệu với người nơi khác đến. Như dì Út Tư từng nói với tôi “Xóm tôi tên Xóm Không Chồng”. Bây giờ, có lẽ chỉ trên bản đồ mới còn tồn tại cái chấm li ti tên Xóm Ngã Ba.
Sở dĩ người ta gọi xóm này là Xóm Không Chồng là bởi ở cái xó núi heo hút hơn ba mươi hộ dân, thì ngần ấy gia đình không có đàn ông làm trụ cột, ngần ấy người đàn bà không có chồng. Không chồng là bởi không lấy chồng, cũng là bởi góa chồng. Cứ như duyên số run rủi họ về sống với nhau trong cái xóm này.
Chiều mùa đông sương phủ kín xóm núi, đám trẻ mặt mũi loang lổ màu đất đỏ, bụi đá xanh từ đâu chạy về nhà kêu đói. Dì Út Tư đang bổ cái gốc cây đa lôi từ đầu làng về để đốt lấy than liền chạy vào bếp, lát sau dì mang ra cái rá đựng mấy củ khoai chùn chia đều cho từng đứa. Bổ củi xong, dì ôm lá mía cho hai con bê vàng vừa được nhà nước cấp, vì nhà dì có sổ hộ nghèo. Rồi dì gom xấp lá bắp cải băm nhỏ thả cho bầy vịt tầm chục con đang bì bõm ở vũng nước hứng từ trồ rửa bát. Dáng dì thoăn thoát, hiện rõ rồi lại ẩn đi trong khói sương lảng bảng. Tất cả đều diễn ra trong im lặng. Mấy đứa trẻ ăn hết khoai thì ra nghịch nước, dì cũng chỉ nhìn rồi quay đi mà không quát tiếng nào. Nhưng như hiểu ý dì, chúng liền đứng lên chùi tay ướt vào quần rồi rắt nhau đi chơi chỗ khác. Như đàn gà con được ăn no nên không chíu chít tiếng kêu, đám trẻ cũng chơi trong im lặng. “Mấy đứa trẻ là con của dì à?” “Không. Có hai đứa là con của chị Bảy nhà mé trong”.
Sau bao nỗ lực gợi chuyện của tôi, dì cũng dần cởi mở mà nói chuyện nhiều hơn. Dì kể năm năm trước dì vẫn còn chồng, nhưng giờ thì không. Chồng dì là người xóm Dừa cách đây mươi cây số. Sống với nhau thì gọi chồng, gọi vợ chứ còn biết gọi là gì, dù có cưới xin chi mô. Trong một lần gánh rau xuống chợ bán hồi đã qua tuổi ba mươi mà ở quê như thế người ta gọi là bà cô ế chồng, dì gặp anh bán dao ở chợ. Cũng có ý rồi nên nói với nhau dăm ba câu thì thành người yêu. Ba ngày sau anh bán dao theo dì lên sống ở xóm Ngã Ba thì thành vợ chồng. Tôi hỏi răng dì không xuống ở nhà chú bán dao. Vì ở đây dì có căn nhà gỗ bố mẹ để lại dù cũ mà kiên cố hơn túp lều lợp bằng lá cọ của anh bán dao. “Bây giờ chồng dì ở mô?”. “Kêu đi làm ở mô giáp biên giới, ba năm nay không về”. Mà ở đây người ta tin vậy là dì không còn chồng nữa. Rồi dì cũng tin y vậy.
Cách nhà dì Út Tư một bờ rào và cái chuồng bò là nhà chị Na. Chị gầy như cành cây khô giữa mùa đông, vẫn sống đấy mà trơ trụi, xám đen. Chị bị tật ở hai mắt nếu không muốn nói là bị mù, vì chị vẫn lờ mờ thấy. Nghe nói do hồi mang thai chị mẹ chị không muốn sinh nên đã uống bát thuốc lá nam ông thầy xứ mường nào đó mách cho. Nhưng không biết có phải may mắn hay không khi chị không chết trong bụng mẹ. Chị không biết bố chị là ai. Mẹ chị giờ sống cùng chị ở căn nhà vách nứa, ngày mưa vẫn phải dùng thau hứng nước. Mẹ chị giờ cũng không nhìn thấy gì, chỉ đi từ cái chỏng tre ra thềm cửa, rồi đi lại vài vòng ở cái sân được chát hồ mỏng qua nắng mưa bị bào mòn lỗ chỗ những hốc nông sâu.
Ngày ngày chị quờ quạng đan mấy lá nan thuê, trông trẻ thuê đổi lấy khi thì tiền mua muối, khi thì bát gạo, rổ khoai. Một đêm giông gió có người đàn ông ghé nhà chị trú nhờ. Chị mang thai, người đàn ông ở luôn nhà chị. Làm thuê cuốc mướn, sống cùng nhau qua một cái Tết thì anh quyết định đi làm ăn xa. Mấy năm rồi chị không thấy chồng về, chỉ nghe mang máng ngoài đầu làng họ đồn thằng Tư Huân đi làm tận Bình Dương, công việc gì chẳng biết chỉ biết chết vì ngã xuống từ tầng cao. Nghe tin chị không khóc, vì nước mắt đã cạn kiệt nơi hốc mắt suốt gần nghìn đêm khóc chờ đợi. Vậy là con trai chị không còn cha. Mà khổ ải đọa đày, nó lại thừa hưởng cái đôi mắt tật nguyền của mẹ. Chị nói nghe buồn rười rượi như buông xuôi nỗi đau, “mình có cái gen gì trội ngoài đôi mắt mù lòa, con bị vậy cũng biết oán chi ai”.
Thằng bé năm nay năm tuổi, hồi bốn tuổi chị cho con đi học mẫu giáo, thời gian sau cô giáo trả về vì nó không nhìn thấy kẻ ô li ở mà tập viết. Chị đau đến nín lịm và cạn kiệt sự sống. Mẹ già trái tính trái nết sớm tối mắng nhiếc, “bỗng dưng lại đâm đầu vào cái thằng khốn khó còn bội bạc”. Thằng nhỏ con chị không biết gì chỉ nghe bà ngoại nói nó là sao chổi, là đứa con người ta rơi vãi. Nó trở nên lầm lì, ít khi nói chuyện và hầu như không đòi hỏi, nũng nịu bà hay mẹ. Nhà hai người đàn bà và một đứa trẻ sống với nhau, có nghe ra thì chỉ là tiếng chửi đổng suốt năm một bài của bà cụ. Có lần chị uất ức không chịu được khi bà độc miệng trù ẻo thằng con chị, chị nói mẹ thấy mẹ con tôi vướng mắt thì đi chỗ khác mà ở, thằng bé tội tình chi mà mẹ chửi rủa nó hoài. Rồi chị ôm con khóc. Bà cụ cũng khóc, nói “ngày đó sinh ra cục đất còn hơn đồ con gái như bay. Đồ bất hiếu”. Đêm đó chị không nghe bà cụ đánh thức chị dậy lấy bô cho đi đái như mọi khi. Mặt trời lên cao không thấy tiếng mẹ chửi, chị chạy vào chỗ cái chõng tre sờ thấy chân tay bà cụ đã lạnh ngắt từ bao giờ. Chị nghĩ do mình nặng lời mà mẹ mới chết, không biết mẹ có siêu thoát được không. Chị ôm đau khổ và dằn vặt mà sống. “Nhiều khi cũng muốn chết đi cho xong mà thương thằng nhỏ mới sống được bao năm trên đời. Vốn chả được lành lặn lại thiếu mẹ nữa thì bất hạnh mô bằng”. Hai mẹ con chị cứ thế lủi thủi bên nhau qua ngày ở cái xóm đìu hiu này.
Dì Út Tư nói Xóm Không Chồng nên người ta không dị nghị lườm nguýt nhau. Cô Ngát ở cuối xóm năm rồi đi làm may trên huyện, khi về vác cái bụng bầu cũng không ai hỏi bố đứa nhỏ là ai. Tất cả họ đều nghĩ, có rồi cũng bỏ đi, hoặc là chết, hoặc không trở về. Nên thôi cứ không biết, không cần cho nhẹ lòng. Có dì Toan họ hàng của dì Út Tư lúc cưới chồng mổ hai con lợn mời xóm giềng chung vui, người ta mong dì đi khỏi xóm này sẽ được hạnh phúc. Nhưng sau gần một năm chịu đựng người chồng vũ phu, đánh đập dì đến sảy thai ba lần, dì phải trốn về. Giờ dì sống một mình trong căn nhà vách chát vôi cha mẹ để lại, cũng dột nát lắm, đơn côi lắm. Nhưng dì chấp chịu phận không chồng.
Toàn đàn bà và trẻ con mà cái xóm lặng im khó tả. Khi trời ngả về chiều, khói bếp từ nhiều ngả bay lên bao trùm cả xóm, trông càng ảm đạm thê thiết. Những người đàn bà lo hết việc trên rẫy, rồi về lo cho đàn vịt, lo cho đụn con nhỏ. Họ tất tả để quên phận không chồng. Nhưng đàn bà mạnh mẽ bao nhiêu, cũng vẫn có hơn nửa phần yếu đuối. Mùa bão vừa qua, nửa đêm giông gió cắt ngang cây xoan trước ngõ, mái nhà bay vèo mấy tấm lợp xi-măng, bà Ba với con dâu và đứa cháu chỉ biết ôm nhau khóc. Khóc vì lúc lâm nguy không ai cùng chống đỡ. Chồng bà Ba hi sinh khi đi bộ đội. Bà có nhõn một đứa con trai, đang lúc hạnh phúc vì có vợ thêm con lại chết bâng quơ giữa đồng. Cái bi phẫn đè nặng bóp nghẹt mấy lời oán thán.
Cuộc sống ở Xóm Không Chồng vẫn tiếp tục, lặng lẽ trong tiếng gà gáy ban trưa, giữa hì hụi sớm khuya của những người đàn bà. Họ sống âm thầm và đau đớn âm ỉ. Đau đến kiệt sức để có thể mãi thắc mắc xóm này vì cái nghiệp nào, vì sự đày đọa sai trái nào của ông trời mà đàn ông không thể ở lại lâu, mà đàn bà phải chịu cảnh không chồng. Nhưng có lẽ trong sâu thẳm, những người đàn bà khổ mạng vẫn ấp ôm niềm hi vọng một ngày lời nguyền không chồng vô hình ấy được hóa giải.
Đêm tối tịch mịch, giữa cái lạnh cắt da cắt thịt mùa đông ở vùng núi Bắc Trung Bộ, những tia sáng xuyên qua bầu trời như những vệt sao băng…
Sài Gòn, 21/02/2019