Mỗi ngày sống trong lòng thành phố, nhưng ít khi nào ta (lưu tâm)gọi tên các điều quan sát thấy và trải nghiệm trên đường phố hay trong các tòa nhà thành “đời sống đô thị”. Nhân có cuốn sách mới “Lịch sử đô thị hiện đại”, mạo muội đọc và cảm nhận (lại) những điều diễn ra thường nhật trong thành phố (Sài Gòn) trên cảm thức “đây là đời sống đô thị”.
Đô thị không chỉ là nơi dân cư đông đúc, mà còn là cách thức trải nghiệm đường phố và không gian công cộng
Trong suy nghĩ của phần đông mọi người, thị trấn, thành phố hay đô thị là nơi cư dân đông đúc, giao thông tắc nghẽn, nơi có cơ sở vật chất tiên tiến. Trước kia, khi nói đến thị trấn của huyện mình, mình thường nhớ về một cửa hàng bán nhiều loại bánh trong đó có bánh bông lan mềm mịn hình tam giác và khu chợ họp mỗi ngày (không phải theo phiên ngày chẵn như chợ ở xã) với đủ thứ rau củ, thịt, cá.
Ngày nay, mình đang sống ở một đô thị lớn của cả nước và biết đến đô thị hay đời sống đô thị là một phạm trù có tính lịch sử biểu hiện nhiều phần ở những khung cảnh đời thường. Đây cũng là khía cạnh gần gũi mà mình có khả năng tiếp nhận khi đọc “Lịch sử đô thị hiện đại”.
Tác giả Shane Ewen – Giáo sư ngành Lịch sử đô thị tại đại học Leed Baeckett, Anh Quốc viết: “Tính hiện đại, như chúng ta đã thấy, chưa bao giờ chỉ dừng lại ở việc thấm sâu vào hình thức xây dựng của một thành phố, nó còn được nhận thức rất rõ trong cảnh quan văn hóa của thành phố đó. Cách thức mọi người trải nghiệm đường phố và các không gian công cộng khác trong thành phố là trung tâm điểm trong bản chất sống động của đời sống đô thị hiện đại.”
Và đời sống đô thị (ở Sài Gòn) quanh mình là khung cảnh lúc chập choạng tối, những người đàn ông đeo ba lô (laptop) đi ngang Bưu điện thành phố hay đi ngang những vạch kẻ đường về phố Nguyễn Du (Q1). Là những quán nhỏ vỉa hè với những nhóm bạn, một cặp đôi hay một mình ai đó đang ngồi uống chai bia, ăn gỏi cuốn. Là những người trẻ đeo tai nghe (Bluetooth) chạy thể dục quanh công viên cây xanh bên đường Trương Định. Là đôi trai gái dắt tay nhau vào ăn tối ở nhà hàng đối diện nhà thờ Đức Bà, (mà ngay) bên ngoài là những nhóm học sinh, sinh viên ngồi khoanh tròn trên những tấm bìa ăn bánh tráng trộn. Là những xe hàng rong chở đầy đồ ăn vặt bên hồ Con Rùa. Là lối đường Phạm Ngọc Thạch, Alexandre de Rhode sáng trưng bởi đèn của biển hiệu quảng cáo (bất giác mình nghĩ đến kinh đô ánh sáng Paris). Đời sống đô thị cũng là vỉa hè Alexandre de Rhode, nơi mình thích ngồi cà phê bệt và nhìn ra công viên nhiều nhiều cây xanh trước mặt. Là người đàn ông nước ngoài bước ra từ cửa hàng tiện lợi với bình nước Lavie 6 lít. Là những người trung niên ngồi uống cà phê trong quán nhỏ với một tờ báo giấy trên tay…
Những hoạt động quan sát thấy như trên, đó là (một) biểu hiện của bản chất đô thị – cách thức trải nghiệm đường phố và không gian công cộng. Tất nhiên cuốn sách còn nhiều diễn giải khác về khía cạnh này, mà “đặc tính giới” là một điểm khiến mình thấy mới lạ và ngẫm lại. Một dẫn cứ là những người đi bộ, kẻ lang thang (tiếng Pháp là flâneur) “thường được nhắc tới theo cách hiểu của quan niệm về giới là một người đàn ông, một chủ thể bậc cao (upper-class agent) của tính hiện đại, là người có thể tự do ra vào và quan sát mọi lĩnh vực của đời sống đô thị. Một kẻ lang thang lần đầu tiên được nhà thơ Pháp Charles Baudelaire mô tả là “người đi qua đi lại trong thành phố để trải nghiệm thành phố đó”, đề cập trực tiếp tới một bộ phận người đi dạo quanh là nam giới, lơ đễnh, vẩn vơ đi lại trên đường phố Paris mới, lúc này được chỉnh trang, cải tạo bởi Nam tước Haussmann..”
Ngẫm lại là ở chỗ, theo quan sát chủ quan trong những lần đi lang thang trên phố, ít thấy một cô gái cũng đang đi lang thang một mình như vậy.
Có một điều mà ta nhiều lần trải nghiệm nếu đã thực sự quan sát, như tác giả viết:“Đô thị hiện đại ngày càng được miêu tả như một cảnh tượng mà trong đó người ta có được trải nghiệm tuyệt vời nhất khi được đi dạo trên phố – cả những con phố thương mại hiện đại ở trung tâm thành phố hay những đường phố tối tăm, đầy nguy hiểm và những con hẻm sâu trong những khu ổ chuột, chỉ khi đó, mỗi cá nhân mới có thể cảm nghiệm chân thực nhất cái nghịch lý giữa sung túc, giàu sang với nghèo đói khổ sở.”
Trong những lần đi dạo quanh các con phố, ta có thể thấy ngay bên ngoài quán cà phê sang trọng, là những người thợ đang xoay xở với chiếc cống bị tắc. Bên ngoài cửa hàng tiện lợi là người đàn ông với bộ đồ cáu bẩn, biểu hiện rã rời sau một ngày đi xin ăn trên đường phố. Bên cạnh một khu biệt thự là một xóm nghèo lụp xụp.
Bản chất mộng mơ của đời sống đô thị hiện đại
Dẫu rằng thấy rõ cái nghịch lý giữa giàu sang và nghèo đói, ở một góc nhìn khác, đô thị vẫn mang bản chất mộng mơ, như điều được nhắc đến trong cuốn “Lịch sử đô thị hiện đại” của tác giả Shane Ewen.
Tối qua, khi ghé lại ngõ nhỏ trên đường Pasteur – nơi có quán trọ mình ở trong lần đầu tiên đến Sài Gòn, mình được chứng kiến cô lao công cất tiếng hát khi đang thu gom rác. Trong con ngõ tà tà dốc, những chiếc đèn sáng mờ trên đỉnh đầu, gió lay đám lá và hương hoa sử quân tử nồng nồng, cô công nhân vệ sinh môi trường cất tiếng hát; giây phút đó mọi thứ như đứng yên, mọi điều lắng lại và lãng mạn quá đỗi.
Và mình là một phần của đô thị, một phần mộng mơ của đời sống đô thị. Mình thích đi lang thang trên phố, từ những hẻm ngõ vắng đến những phố xá xôn xao tiếng nói chuyện, tiếng động cơ.
Đời sống đô thị dù xét ở góc độ lịch sử hay không, vẫn cứ mang máng những mối lo toan, những bất định, những áp lực. Nhưng việc sống và làm việc ở đô thị khi trở thành một lựa chọn, một tất yếu, ngoài đối mặt với những xù xì, ta cũng cần tìm thấy những lãng mạn, niềm vui trong “cách thức trải nghiệm đường phố” và đón nhận đời sống đô thị.
Sài Gòn, 10/3/2022