“Anh Nhất vừa đánh chị Lam ở trên đồi. Bằng đòn gánh và cái can”, câu nói với giọng giễu cợt của người cô họ xa nói với bà nội ở cửa cái bếp lợp tranh là ký ức xa xôi nhất, mơ hồ nhất nhưng lại rõ ràng nhất trong tuổi thơ tôi.
Tôi không nhớ năm ấy mình bao nhiêu tuổi, nhưng tôi nhớ rõ ánh mắt mình ngước lên nhìn chằm chằm người cô họ. Cô đứng ở cửa bếp, đội chiếc nón lá được quệt nhiều lớp nhựa thông nên vàng và cứng. Đó là một ngày nắng tháng Năm bỏng rát. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy nhớ và thương mẹ tôi. Tôi hình dung thấy vết thâm bầm tím trên cánh tay mẹ và đến giờ tôi không sao quên được vết toạc trên cái đòn gánh, dù nó vì sao mà gãy tôi không biết.
Mẹ nói bây giờ đàn bà con gái lúc mang thai kiêng cữ nhiều, chứ hồi có tôi trong bụng mẹ vẫn leo dốc trèo đồi đến ngày đẻ. Hôm nay mẹ vào rừng lấy nứa còn vác về một bó mười lăm cây, thì sáng sớm mai mẹ sinh tôi. Còn đứa em trai kém tôi một tuổi, ngày mẹ chuẩn bị vào rừng chặt cây chuối về cho trâu ăn, mới bước một chân qua bậc cửa buồng thì đau bụng, cha dắt mẹ quay vào giường để đẻ. “Mẹ không sợ nhỡ có chuyện chi xảy ra à?”. “Sợ thì ăn bằng gì hở con”.
Quê tôi là ngôi làng nhỏ nằm gọn giữa vùng đất trũng, bao quanh bốn bên là núi. Thời Nhà nước khuyến khích phát triển vùng kinh thế mới, ông bà mang theo đàn con nheo nhóc lên khai khẩn rừng núi. Nhưng cho đến bây giờ, xét về điều kiện sống thì đó là một cuộc di cư sai lầm, bởi ở vị trí của quê tôi, việc giao thương hay đi lại đều không thuận lợi.
Mẹ kể ngày vừa từ dưới xuôi lên, vùng này là một khu đồi hoang, mỗi nhà tự khai khẩn một mảnh dựng nhà ở và phát rừng vén rẫy trồng lúa. Thời tiết không ủng hộ, lúa kém năng suất dân làng chuyển sang trồng sắn trồng ngô. Thế là cả làng ăn cơm độn ngô độn sắn, cuối cùng thì ăn sắn ăn ngô thay cơm. Rồi dịch sốt xuất huyết xảy đến, ngày nào trạm y tế cũng một vài người chết. Bác trai tôi cũng mất khi tròn hai mươi tuổi. Mẹ kể, tôi tự hỏi, có phải vì cái nghèo khó khiến mẹ và những người đàn bà ở vùng quê này trở thành người cam chịu.
Tôi cũng trải qua những năm tháng tuổi thơ trong nhiều cơn túng thiếu của cha mẹ. Tôi từng khóc không chịu ăn cơm nguội với muối trắng. Tôi từng thấy mẹ vì nắng quá, mệt quá mà nôn ra toàn nước trong. Tôi ôm nỗi sợ hãi đằng đẵng mỗi khi mẹ ốm. Tôi lớn lên và mẹ già hơn so với tuổi đời. Ký ức tuổi thơ là những mảng màu trầm nhiều hơn là xanh ước mơ.
Ảnh: Internet
Tôi nhớ những ngày nắng nóng muốn cháy xem thịt da, cả những ngày mùa đông giá buốt; mẹ gòng gánh trĩu hai vai những bánh rán, bánh nếp có khi rau hành, đậu phụ xuống làng dưới cách hàng chục cây số đường dốc đá để bán. Hình ảnh mẹ đọng lại trong tôi là hình dáng cao gầy, những ngón chân trạc xòe như cái quạt và đôi gò má cao rám nắng. Bà ngoại bảo “Những người như vậy thường rất khổ”.
Trong ký ức tôi, mẹ thật khổ. Khổ thân và khổ tâm. Một đêm trên chiếc giường tre mẹ nằm nghiêng nhìn ra phía cửa sổ và nói trong đêm tối “Không phải vì mấy đứa, không phải vì một gia đình đã nhiều tiếng tai, mẹ đã đi rồi”. Tôi không nhìn thấy nước mặt mẹ, nhưng tôi thấy những vết cứa nơi tim mẹ. Tôi ôm mẹ từ phía sau, tôi ích kỷ trong thâm tâm, nói lời cảm ơn vì mẹ đã không đi.
Khi tôi lớn lên, những năm tháng cũ đủ xa để nhớ lại. Tôi hối hận và trách mình là kẻ hèn nhát vì không dám đứng ra bảo vệ mẹ. Cũng là một ngày mùa hè, tôi qua nhà bác rủ các chị chơi chắt chơi chuyền. E ngại người lớn quát đe, tôi chỉ dám thập thò ngoài cửa sổ. Giữa tiếng gà trưa từng chập, tôi nghe thấy tên mẹ trong câu chuyện của vài người họ hàng ở phía trong. Tôi nghe một lát và chạy vụt đi. Tôi khóc, tôi thương mẹ. Ngày ấy tôi thấy họ thật xấu xa mà chẳng hiểu tại sao họ lại xấu xa. Lớn lên tôi thấy họ đối với mẹ đặt điều không trung thực, nhưng tôi hiểu lòng người nhỏ nhen hay hơn thua.
Tôi có khi băn khoăn trong lòng, vì tình yêu thương, mẹ có thể hy sinh không quản những vất vả và khổ đau như thế sao? “Khi có con rồi, con sẽ hiểu”. Mẹ vẫn thường nói với tôi như thế. Những ngày khốn khó, mẹ ăn cơm với muối trắng rang, quả trứng gà nhỏ trưng chia mỗi đứa con một góc. Ngày có thể mua con gà làm thức ăn, mẹ gắp miếng thịt trắng cho cha, phần thịt ngon khác mẹ phần con. Còn mẹ, “mẹ không thích ăn thịt vì dính răng”. Dính răng thì có tăm cơ mà. Thịt thiếu chứ tăm đâu có thiếu, mẹ ơi.
Một ngày mùa đông nọ trong cuộc điện thoại giữa chiều, mẹ buột miệng kể chuyện mẹ đã lành vết mổ. Tôi bàng hoàng rồi chua xót, hỏi sao mẹ không nói con biết. Mẹ kêu có chi nghiêm trọng mẹ đã nói rồi. Chuyện con sổ mũi, ho khan với mẹ là chuyện quan trọng. Nhưng chuyện mẹ nằm trên/ bàn mổ suốt mấy tiếng lại là chuyện nhỏ thôi. Nhỏ gấp ngàn lần chuyện con bị đói. Nhưng mong mẹ, hãy đừng riêng mình hi sinh.
Lại một mùa đông khác trong cái quãng tôi đã lớn, tôi gọi về cho mẹ, mẹ nói nhanh về nhà ăn thịt gà mẹ nuôi, một đàn chúng phá đám rau sau nhà quá. Tôi biết mẹ nhớ mình. Mẹ nói thêm, thằng Hai nó lại vay tiền đánh bạc. Giọng mẹ không nghe ra chút khổ đau. Tôi biết mẹ lại thêm một đêm mất ngủ. Ôi mẹ đã quá nửa đời mất ngủ, sao vẫn chưa hết xót xa.
Năm tháng đi qua in hằn trên mắt mẹ, chưa lần nào tôi dám hỏi mẹ giờ có thấy gì sướng vui. Niềm lo cũ gác lại chưa, hay có thêm nỗi buồn nào mới? Nhưng tôi ước gì, chị em tôi bé lại, mẹ sẽ không già đi. Chúng tôi hân hoan đón mẹ đi chợ về; mong được ăn khúc mía đen, quả bưởi the lưỡi hay mấy quá táo xanh dính đầy mùi nhân hành mỡ của bánh cuốn trong chiếc thúng ngày xưa của mẹ…
Phan Nữ