Em ở đây…
Mùa hè vẫn ở đây. Anh thì lẩn trốn đâu đó bởi không muốn người-lạ-từng-biết-mặt như em thấy được những tâm tình (mà anh) chỉ muốn chia sẻ cùng người thân thuộc. Anh để chế độ bạn bè riêng trên mạng xã hội. Đó là một sự công bằng với anh khi được quyền khoanh vùng tâm tư. Nhưng em (lại) không-được cảm thấy bất công bởi em chỉ là người lạ đứng từ xa nhìn anh bước qua cánh cổng của một khu vườn riêng anh và những điều, những người anh thuộc về và thuộc về anh.
Em xem phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bồi hồi xúc động vì niềm yêu mến với nhạc Trịnh bấy lâu nay có bối cảnh cụ thể hơn để nhìn.
Mặc dù em thích đọc về ông, cũng đọc “Thư tình gửi một người” không biết bao lần và quen thuộc nhiều bài hát, nhưng xem phim em đã được bất ngờ và thoả mãn. Rằng Trịnh Công Sơn thời trẻ là một chàng trai như vậy – khi yêu thật hồn nhiên, trong suốt, khi yêu thật si mê dại khờ. Những bức thư với nỗi nhớ “quá dài”, với cảm nhận thời gian “đêm đã đầy trên từng viên gạch”, với những thiết tha “Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi!”; thì ra được viết bằng những bồn chồn, phơi phới của tình yêu lẫn bằng những lặng yên hiền hoà giữa một thời đại hỗn loạn.
Em thích khung cảnh xưởng vẽ nơi nhóm Tuyệt Tình Cốc gặp nhau. Ở đó là những chàng trai có tâm hồn nghệ sỹ, tinh thần văn nghệ cao ngất (mà ngoài đời thực đều là những người thành công trong lĩnh vực của mình). Nhưng rồi những tâm hồn văn nghệ bị thực tại thời thế vùi dập. Bởi vậy, khi ta không trải qua những điều tương tự, ta không thể đánh giá xét nét người khác. Mỗi người một cảm nhận, một thái độ đối với những gì đang diễn ra.
Em nhớ đến cuốn “Chân dung Dorian”. Anh hoạ sỹ Basil nói một đoạn với đại ý, anh không dám triển lãm bức chân dung Dorian vì sợ người ta nhìn thấy anh đã vẽ nó bằng nỗi đam mê ra sao, sợ bức tranh sẽ hé lộ lòng sùng bái của anh dành cho hình mẫu. Nhưng rồi ngắm nhìn bức hoạ anh nhận ra, nghệ thuật thực chất ẩn tàng người nghệ sỹ nhiều hơn là bộc lộ họ. Điều này cũng đúng với việc cảm nhận về Trịnh Công Sơn qua những bài nhạc và một Trịnh Công Sơn đời thực được phản ảnh phần nào trên phim. Nhưng rõ ràng, ở ông có một sự lãng mạn thống nhất giữa đời và nhạc. Trịnh nói trong một lá thư rằng, anh nhớ Ánh, nỗi nhớ thản nhiên như chiều rơi. Đó là lời bày tỏ lãng mạn làm sao. Cũng bởi sự lãng mạn ấy, dù không cảm được tất cả, em dành niềm yêu mến cho nhạc Trịnh.
Em xúc động bởi mỗi bài hát, mỗi bối cảnh đều thấy một góc kỷ niệm hiện về. Em đã ngồi đó ở Cafe Tùng, uống cà phê và ăn ya-ua (phô mai), nhìn mọi người qua lại. Em đã đứng đó, trên ban công căn gác Trịnh Công Sơn từng ở trên đường Nguyễn Trường Tộ và nhìn ngắm hàng cây long não mà dưới đường cô nữ sinh Đồng Khánh – Bích Diễm từng đi học qua mỗi ngày. Và em đi bộ thật chậm trên cầu Phú Cam mải nhìn về hướng nhà thờ. Bên một người con trai, em ngồi nghe những bản tình ca Trịnh trong phòng trà ấm áp ánh nến của Hà Nội một đêm mùa đông. Và Sài Gòn ở đây, con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch thi thoảng em đến uống một ly đen đá chỉ vì đó là Hẻm Trịnh – nơi có căn nhà Trịnh Công Sơn sống khi ở Sài Gòn.
Ta thường yêu mến những tác phẩm rồi (mới) tiến đến yêu mến một hình dung (nào đó) của người sáng tạo. Thật rất vui khi nhìn thấy một Trịnh Công Sơn thời trẻ như vậy. Em không (được) gặp một Trịnh Công Sơn thực tế nên không quán chiếu với sự thể hiện của diễn viên hay hình ảnh Trịnh qua diễn viên. Em chỉ muốn thấy một Trịnh Công Sơn như-thế-nào so với cảm nhận bấy lâu khi nghe nhạc. Nên thực lòng đã không kỳ vọng và đã không thất vọng. Chỉ bồi hồi xem bởi sự yêu mến mà thôi.
Em đã lưu luyến làm sao khi bộ phim kết thúc. Lưu luyến mối tình bất thành của Trịnh và Dao Ánh. Một tình yêu đẹp với thương yêu, với đồng điệu, với những trách cứ giận hờn nhẹ tênh, với một câu “Anh yêu Ánh” mà ngại ngùng phải nói trong cơn say.
“Trịnh Công Sơn” và “Em và Trịnh” đều là những bản phim lãng mạn dựa trên câu chuyện thật, không phải phim tài liệu nên ít nhiều có hư cấu. Nên nếu anh chỉ muốn cảm nhận và không cần quán chiếu với một hình dung đã biết (thực tế cũng không có một hình dung xác thực nào được biết nếu không phải những người thân thuộc), xem phim anh sẽ thấy niềm xúc động len lỏi và muốn nghe thêm nhiều lần những bài hát của Trịnh Công Sơn.
Em vẫn đi dọc những phố mùa hè chiều nay. Trong tâm tưởng còn vang lên những lời hát “Ướt mi”:
“Ngoài hiên mưa rơi rơi
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa
Đừng than trong câu ca…”
Sài Gòn, 15/6/2022
#em_và_trịnh
#trịnh_công_sơn