Hà Nội mùa đông nhưng chưa lạnh. Tôi đọc lại Rừng Na Uy. Đọc trọn một đêm, cho những rung cảm nhói lên trong tim sẽ nối liền như sóng biển.
Tôi không nhớ mình đọc Rừng Na Uy lần đầu là năm nào, nhưng cái nhớ về tác phẩm mãi là hình ảnh một cô gái với nội tâm cô đơn, cô độc tận cùng đang đi trong một khu rừng hoang vắng và dừng lại trước một cái giếng sâu.
Đọc lại, thấy Rừng Na Uy quả thực hàm chứa mọi thứ ở cuộc đời này, của xã hội này. Dấu vết của chiến tranh, những cuộc cách mạng, thân phận con người, những buồng tối tinh thần, những cảm thức bên trong, đau đớn và bản ngã. Và nữa, xác thịt và tình yêu. Và tình yêu thì chẳng bao giờ có một lề thói nhất định nào cả. Và một lần nữa, ta cần nhắc nhau rằng đừng bao giờ nghĩ về cái mãi mãi, cái vĩnh cửu của tình yêu.
Nagasawa lại là nhân vật tôi thực sự ấn tượng – dù hắn có một “hệ thống”, những tư duy sống mà theo lẽ thường là một tên đểu cáng, một kẻ vị kỉ. Hắn yêu Hatsumi, một tình yêu khắc kỷ, theo lời Toru Wantanabe nói. Tình yêu ấy chân thành mà cũng hời hợt. Hắn nói với Toru rằng: “Đừng bao giờ tự trách móc mình. Chỉ những tên thảm bại mới làm thế.” Điều này đã thức tỉnh Toru Wantanabe trong những cơn đau bủa vây khi Naoko chết. Nhưng chính việc luôn biết rõ khát vọng điều gì, mình làm gì thì sẽ không bị tổn thương, khiến Nagasawa trở thành một gã đáng thương.
Tôi bị thuyết phục và chấp nhận rằng, nếu đau đớn, rất đau đớn thì hãy cứ giữ nỗi đau ấy đến tận cuối đời, như Reiko nói với Toru. Không như niềm vui, nỗi đau không phải khi nào cũng phai nhạt theo thời gian. Và tôi thực sự chắc chắn lắm về điều đó.
Cho dù tình cảm của Toru không thay đổi, Naoko vẫn chọn cái chết. Điều này thuộc về bản ngã của Naoko. Nhưng Toru vẫn cảm thấy tội lỗi, không phải vì mình có lỗi và cái cảm giác ấy vận hành theo một cách riêng biệt. Và dù Toru cuối cùng vẫn phải tiếp tục sống, và không thể bỏ lỡ Midori, thì nỗi đau trong Toru về cái chết của Naoko sau 18 năm hay cho đến cuối đời đi nữa, cũng vẫn còn đó, như một cơn gió có thể ùa đến bất cứ lúc nào hay bất cứ khi nào anh ta nghe bài “Rừng Na-Uy” của Beatles vang lên.
Tôi thích kiến giải của dịch giả Trịnh Lữ về cái tên Wantanabe, rằng phải chăng là âm hưởng, là biến tấu của từ “Want to be” trong tiếng Anh – Là cái ước muốn được tồn tại, được hiện diện dù đau đớn ra sao chăng nữa. Và chắc đúng, bởi nếu không, giữa cái vũng lầy toàn nỗi đau ấy, Toru sẽ bị nhấn chìm.
Cuối cùng thì, thế giới này sẽ luôn còn lại tình yêu, và không có con đường nào theo một trình tự, là chúng ta sẽ phải gột sạch đi những nỗi đau, “bệnh tật” rồi mới tiếp tục lựa chọn tình yêu. Naoko nghĩ về trình tự ấy, đi theo trình tự ấy, nên cuối cùng Naoko chọn cái chết.
Việc Naoko cuối cùng đốt hết thư của Toru và không để lại một lời nào, với tôi, đó là điều tốt nhất Naoko có thể làm cho Toru, có thể đó là tình yêu hoặc có thể là cái cảm giác vận hành riêng biệt như cách mà Toru thấy tội lỗi trước cái chết của Naoko. Khi cô thấy cuộc đời mình là một cái hố bóng tối đặc quánh, cô lẩn sâu vào rừng. Không nói một lời với Toru, có lẽ vì không muốn cản trở thêm Toru bước về phía ánh sáng và hạnh phúc.
Cuốn sách, có bao nhiêu nhân vật, đều đại diện cho bấy nhiêu cách suy nghĩ và lựa chọn khác nhau. Những người lựa chọn cái chết đều đã đấu tranh theo những cách riêng về sự tồn tại của mình. Và những người sống cũng vậy.
Bản thân Midori cũng có hàng tá những khó khăn và bất hạnh trong đời, nhưng hình ảnh Midori dù bất cần lại luôn là một bản thể rất sinh động, như Toru nói. Anh ta nói thích Midori, thích như một chú gấu mùa xuân là bởi thế.
Còn Nagasawa đáng thương và bất hạnh, bởi hắn coi nhẹ tình yêu. Coi nhẹ tình yêu của Hatsumi dành cho mình và coi nhẹ tình yêu của mình dành cho Hatsumi. Nagasawa có lẽ là “người phàm” nhất trong những nhân vật của Rừng Na Uy. Sự hoàn hảo, không vấy bẩn của Hatsumi dường như hắn cũng khát khao có được nhưng lại cay nghiệt với điều đó, bởi hắn thực sự là một người phàm, khát vọng và thực dụng.
“Cái chết của Hatsumi đã làm tiêu tan một cái gì đó” – Nagasawa viết thư cho Toru từ nước Mỹ. Mấy chữ “tiêu tan một cái gì đó” tôi nghe ra một tiếng rơi tõm trong lòng mình, không thể vớt lên được nữa. Đó là bản chất tha hóa của Nagasawa. Bao nhiêu năm, cho đến cuối cùng khi Hatsumi chết đi, cảm giác tiêu tan trong hắn vẫn chỉ là “một cái gì đó”.
Thật có nhiều điều, nhiều vấn đề ta thấy được ở cuốn sách này. Thậm chí, câu chuyện về những tổn thương thưở ấu thơ, những tác động từ môi trường sống, sự nghiêm trọng của các vấn đề tâm lý; lại đang nhức nhối hơn bao giờ hết.
Nhưng chúng ta, mỗi người trải qua những nỗi đau khác nhau và mỗi người là một bản ngã riêng biệt. Điều ta cần chấp nhận, là cái chết là một phần của sự sống. Người lựa chọn sống tiếp, sống hạnh phúc nghĩa là họ xứng đáng được hạnh phúc.
Thêm một điều khiến tôi yêu cuốn sách là cái chất văn chương trong nó. Dù mỗi điều Toru Wantanabe kể đều nặng trịch như cái không khí u ám của mùa đông, lạnh lẽo như rừng tuyết tùng trên con đường đến Nhà nghỉ Ami nơi Naoko điều trị, nhưng ngôn ngữ lại luôn dịu dàng như ánh trăng vậy.
#review_sách
#Rừng_Na_Uy
#Haruki_Murakami