Dù không phải lúc nào cũng cảm thấy dễ chịu về mức độ hiểu và cảm nhận tác phẩm của mình, nhưng tôi có thể lặn sâu vào nỗi buồn trong văn chương Kawabata.
—
Tháng Ba, tôi còn ở đây, hiện diện ở một nơi chốn cụ thể trong lòng thành phố. Tôi thấy đôi ba ý nghĩ đang đấu tranh trong đầu mình. Gió bay phấp phới tà áo khoác dài và mỏng, mát mẻ, nhưng chẳng rõ là mùa gì.
Tôi nghĩ về một vài người. Có người, khi ý nghĩ tôi nhìn thẳng vào cậu ta, tôi thấy một thực tế sừng sững trước mắt mình. Có người, tôi định hỏi rằng, “cậu” có muốn đi xa không. Nhưng đi xa là đi đâu? Hẳn cậu ta sẽ hỏi lại như vậy. Tôi thì tất nhiên thấy “vô định” ở cái từ “đi xa” ấy nên cuối cùng tôi giữ lại câu hỏi. Bởi đó, cậu là một “thực tế” sừng sững trước mắt tôi.
Tôi vẫn còn nghĩ mình nên gọi bây giờ đây là mùa gì. Nhưng tôi không có cảm giác về một mùa nào cụ thể trong giờ phút này đây. Thế là tôi tiếp tục đọc tác phẩm dang dở cuối cùng của nhà văn Kawabata Yasunari.
Inako – nhân vật chính nhưng vô hình vô tiếng trong tác phẩm từng thắc mắc với cha mình khi còn bé rằng, “Cái cây này sao lại đến vườn nhà mình, sao lại nở hoa ở vườn nhà mình, chẳng phải là mọc ở trên núi, hay rừng hay vườn nhà người ta rồi nở hoa ở đó cũng được mà.” Một thắc mắc của con trẻ, người cha không biết trả lời ra sao nên nói rằng đó là “duyên”.
Sau này đây, khi lớn lên, người mẹ nói với Inako rằng, “Nhưng, thật sự những chuyện khó thì khó và không có cách trả lời mà. Có buổi tối là có thôi, con giun ở trong đất thì là ở trong đất thôi. Nó là thế mà. Đối với những gì bình thường ở đời. Con người sinh ra và đến với trái đất có buổi tối, rồi có thói quen đi ngủ vào buổi tối thôi. Mấy con vật khác, đại khái cũng vậy cả.”
Thực ra là, người lớn chúng ta hay nói và cũng hay làm – chuyện gì khó quá thì bỏ qua. Những thắc mắc như thế, mặc dù không có được câu trả lời đi chăng nữa, tôi nghĩ rằng đó không chỉ là sự tò mò của đứa trẻ mà đó là biểu hiện của một tâm hồn nhạy cảm. Liên hệ như vậy cũng chỉ để tôi hài lòng rằng tại sao cứ phân vân, rút cuộc thời tiết này là mùa gì thế, dù tất nhiên, thời gian đang điểm mùa Xuân.
Tôi thích đọc Kawabata, dù không phải lúc nào cũng cảm thấy dễ chịu về mức độ hiểu và cảm nhận tác phẩm của mình. Nhưng, “Bồ công anh” là tác phẩm tôi có thể lặn sâu vào nỗi buồn trong văn chương Kawabata. Như lời người mẹ của Inako nói, “Khi biết được nỗi buồn rồi thì sẽ hiểu nỗi buồn của con người là vô hạn. Khi biết được nỗi buồn rồi sẽ hiểu rằng trên đời này còn biết bao người buồn hơn mình nhiều lắm. Và chẳng phải nỗi buồn của chúng ta trở nên vừa đủ trong đó sao?”. Với tôi thì đúng là như vậy, tôi buồn và thấy nỗi buồn ấy nhiều phần “vừa vặn” với mình, y con người mình vậy thôi.
Nỗi buồn trong “Bồ công anh”, là nỗi buồn hiện lên qua vẻ đẹp của thiên nhiên, qua cái tĩnh trong vẻ đẹp của hoa bồ công anh lay lay với gió bên sông Ikuta, cái không động của hoa sơn trà lạnh, qua việc cảm nhận biển đêm trong bóng tối mù mịt, qua hình ảnh cầu vồng màu hồng đào được tạo thành từ những bọt khí li li. Và tất nhiên, tất cả hình ảnh, tất cả nỗi buồn là từ cảm thức, là đến từ “khái niệm” bi cảm đã sẵn có bên trong tâm hồn nhà văn khi viết. Cái bi cảm ấy trong văn chương Kawabata hay trong “Bồ công anh” được gọi là “mono no aware”.
Về bi cảm aware, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã viết và đặt cùng cảm thức “buồn trông” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (dịch giả dẫn ở cuối sách) như sau: “Đặt bên bi cảm mono no aware của Truyện Genji ở Nhật, cái “buồn trông” của Nguyễn Du “động” hơn, phong trần hơn vì “aware” giống như cái nhìn của người lữ khách, còn “buồn trông” đi với một thân phận lưu đày.”
Còn dịch giả của “Bồ công anh” – An Nhiên viết trong lời cuối sách rằng: “Có thể nói ngắn gọn, bi cảm “aware” là cảm xúc thành thật của con người trước sự vật, là nỗi buồn trước sự vô thường của nhân gian. Với tư cách là một khái niệm thẩm mỹ quan trọng và mang tính nền tảng nhất trong văn học Nhật Bản, bi cảm “aware” xuất hiện rõ rệt trong các tác phẩm của Kawabata. “Bồ công anh” không là ngoại lệ, thậm chí rõ rệt, dễ hiểu hơn các tác phẩm khác.”
Tôi khi đọc và khi đọc văn học, luôn cảm nhận rõ trong mình sự cảm khái trước sự vi diệu của ngôn từ (tất nhiên là cả tài năng sử dụng ngôn từ của nhà văn). Bởi vậy, tôi rất thích một đoạn nhà văn Kawabata viết trong “Bồ công anh”: “Đàn ông và phụ nữ đã có sự kết nối từ trước khi ngôn từ được sinh ra, và khi được sinh ra rồi, ngôn từ diễn đạt sự kết nối giữa họ có thể tiến đến sự sâu sắc, tinh tế, tinh diệu nhất, nhưng vốn dĩ ngôn từ là ngôn từ, cho dù vì ngôn từ mà trái tim yêu thương có phong phú, phức tạp bao nhiêu đi nữa thì cũng không ít lần vì ngôn từ đó mà bị mất đi, bị hóa trang thành một dáng hình tạm bợ, hay bị say trong cái hão huyền của lòng kiêu hãnh giả tạo. Đồng hành với tình yêu nam nữ là sự phát triển của ngôn từ, đồng thời ngôn từ hẳn cũng trở thành kẻ địch đối với tình yêu nam nữ. Cái tình đôi lứa ấy hẳn bây giờ vẫn trong sâu thẳm kì lạ mà ngôn từ không với tới được. Nói ngôn từ của tình yêu là liều thuốc kích thích, là liều thuốc mê thì hơi quá lời nhưng vì thứ đã khiến con người tạo ra ngôn từ tình yêu không phải là sinh mệnh gốc rễ nhất của tình yêu nên không sinh ra sinh mệnh gốc rễ nhất.”
Và dù là tác phẩm còn dang dở của Kawabata, nhưng cũng như “Ngàn cánh hạc”, khi đọc đến đoạn cuối cùng được viết, ta không cảm thấy day dứt hay khó chịu vì câu chuyện chưa có kết thúc. Bởi ta có thể xem đến đó là kết thúc. Bởi thực ra nỗi buồn thì có bao giờ dang dở, nỗi buồn có kết thúc đâu, nỗi buồn mở ra và ta không thấy rõ ràng nó đóng lại. Nỗi buồn luôn tồn tại.
Đọc xong cuốn sách, trời hửng nắng, tôi lúc này không bận tâm hôm nay, lúc này đây có thể cảm nhận là mùa gì. Con người ta là như vậy, dễ nhớ và cũng nhanh quên, khó gần gụi nhưng một khi chứng kiến người khác rời đi hay chính mình phải rời đi thì sẽ xuất hiện một hố sâu trong lòng. Tôi cũng phải cảm thán rằng, con người có khả năng thích nhiều thứ, tệ hơn là thích nhiều thứ cùng một lúc.
Như tôi thấy cậu ta là một “thực tế” sừng sững, muốn thử chạm vào nhưng cũng sợ hãi chạm vào. Có những câu hỏi muốn hỏi nhưng không hỏi, hỏi người khác hoặc hỏi bản thân mình, vì sợ hãi nhìn thấy câu trả lời. Nhưng bạn ơi, nhưng tôi ạ, có bao giờ trốn tránh thực tại mà cuộc sống sẽ tốt đẹp lên đâu nhỉ!
Thế nào mà bây giờ trời lại gió như thứ gió của mùa bão và còn nghe được mùi mưa trong gió nữa. Rồi tôi chỉ thấy mình trong ngôi nhà hay cái quán nhỏ ven biển, tôi nheo mắt và làn da rám nắng, tôi buồn và đọc sách, tôi uống rượu và nói với ai về nỗi buồn, tôi ăn salad có cà chua, có quả bơ và hành tây, tôi ngồi đó rủ mình trên ghế mây và viết về nỗi buồn.
Hà Nội, ngày 19/03/2023, khi mà đôi ba ý nghĩa về những cuộc đi và hiện tại giày vò tâm trí tôi.