Khám phá các thành phố từ những biểu hiện mùa là cách mà cuốn sách “Và mùa thu chầm chậm đi qua” dẫn người đọc đến chiều sâu lịch sử văn hóa mỗi vùng đất.
Cuốn sách là nhật ký về miền ký ức 10 năm dạo chơi trên những cánh đồng, bên những dòng sông, trong những thành phố cổ các lục địa Âu, Mỹ, Phi của Thùy Dương.
Bằng thứ ngôn từ dịu dàng như mùa thu, tác giả viết về nhịp sống, nhịp đi một cách trầm bình qua những cảm nhận sâu lắng chứ không đơn thuần là miêu tả. Dưới ánh nhìn lạc quan, yêu đời của tác giả, mỗi thành phố, từng miền quê đều có những nét hấp dẫn riêng biệt.
Khám phá mùa xuân London, mùa hè Milan, Paris xưa cũ
Dù là một Aarhus của Đan Mạch khắc nghiệt với “tuyết trắng trời trắng đất” thì khi mùa xuân đến vào tháng Ba, bình minh sẽ xanh thắm và hoa bồ công anh sẽ nở vàng khắp chốn, thành phố trở về với vẻ bình yên kỳ lạ trong sự nhỏ bé và tĩnh lặng của mình.
Nếu bạn yêu London, thích Paris hay ao ước một lần được tới thăm những thành phố cổ của Italy như Milan hay Florance nhưng chưa có điều kiện ghé đến, thì cuốn sách sẽ giúp bạn đắm chìm thực sự trong vẻ đẹp quyến rũ của cảnh sắc bốn mùa, tận hưởng thời khắc lúc bình minh khi hoàng hôn của những thành phố nổi tiếng thế giới này.
Trong những bức thư tác giả gửi cho người yêu, cho bạn bè từ bờ Bắc sông Thames, London những ngày xuân hạ thu đông hiện lên dịu dàng, cổ kính lại có những sôi động hấp dẫn riêng.
“Khi những bông hoa chuông tuyết bắt đầu nhú ra khỏi mặt đất còn lớm chớm tuyết những ngày tháng giêng”, là mùa xuân nước Anh bắt đầu. Vào cuối tháng ba, hoa anh đào đã nở trắng và thủy tiên vàng rực khắp nơi.
Những ngày tháng sáu mùa hè, trời London sẽ đột ngột đổ mưa, con sông sẽ đục ngầu màu đất, “phía xa rơi rớt một ráng chiều tím lịm”. London của tháng mười là những bình minh đầy sương. Góc phố nhỏ, nếp nhà xinh hiện lên dịu dàng, quyến rũ và dòng sông êm đềm chảy trong sương mờ, nắng nhẹ của mùa thu.
Mùa đông đến với thành phố sương mù xinh đẹp của nước Anh vào tháng mười hai. “Ngoài phố dân tình choàng lên áo khoác, rồi khăn, rồi mũ; ai cũng lạnh lùng và vội vã”.
Nếu mùa hè xứ lạnh dịu dịu 15 độ C thì trong miêu tả của tác giả, Milan của Italy luôn nhiều nắng, “tàu đông đúc, ngột ngạt và nóng bức”, thành phố chộn rộn tiếng kèn và nhạc, chuông nhà thờ lảnh lót rung. Tuy nhiên, thành phố này có những nét hấp dẫn riêng với những “cuộc triển lãm thời trang đường phố phóng khoáng, tự do và đầy màu sắc”, khi mỗi người xuống đường đều có ý thức phải ăn mắc đẹp, “đẹp từ cách chọn kiểu váy, cách phối màu sắc, cách cầm túi xách tay…”. Bên cạnh đó, Milan cũng là thánh đường của những người say mê hội họa.
Và Italy còn có thành Rome, một trong những công trình cổ kính mang nặng dấu thời gian. Nơi đây sở hữu nhiều công trình kiến trúc cổ như quảng trường, nhà thờ, tu viện, hoàng cung, trường đấu mãnh thú, miếu thần, pháo đài cổ, các tượng thần, vòi phun nước… Theo dấu chân của tác giả trong cuốn sách, bạn sẽ như bị thôi miên bởi lịch sử đan xen nhịp sống của thành phố Vĩnh Hằng này.
London dịu dàng trầm lặng, Milan sôi động đời thường, còn Paris như thế nào dưới sự quan sát của tác giả? Đó là những điều mang vẻ đẹp xưa cũ. Là “vài cụ già đang uể oải thu lại những chồng sách báo cũ cho vào chiếc hòm sắt sơn xanh, kết thúc một ngày thu dềnh dàng như mọi ngày”, là “những con đường lát đá thơ mộng bên bờ sông Seine”, là những cây cầu bắc ngang dòng sông trong trung tâm thành phố, là những họa tiết trang trí kiểu hoàng gia, là ly café thơm lừng tại quán nhỏ ven sông, là hiệu sách Shakespeare & Company và là tháp truyền hình Eiffel thu hút hơn hai trăm triệu lượt khách mỗi năm.
“Nếu bạn may mắn được sống ở Paris khi còn trẻ, thì rồi sau này bạn có đi đâu, quãng thời gian đó sẽ luôn bên bạn”. Câu nói của tiểu thuyết gia lỗi lạc người Mỹ Hemingway trở thành tiểu kết những ngày sống với vẻ đẹp hoài niệm của Paris của tác giả này. Và một ngày, trong căn phòng nhỏ ở London, cô viết lại những ký ức về Paris, ngoài cửa sổ “mùa thu đang chầm chậm đi qua”.
Châu Phi và những hồi ức khó quên
Không chỉ dừng lại ở Châu Âu.
Không chỉ dừng lại ở những cảm nhận sâu sắc và chân thực về các thành phố của âu Châu lục địa, châu Phi, Zanzibar hay Brazil là những hồi ức không thể quên mà tác giả đã kể trong cuốn sách của mình.
“Tôi chưa bao giờ biết một buổi sáng châu Phi khi thức dậy mà lòng không hạnh phúc”, nữ tác giả đã dùng dòng văn đầy hào hứng của Hemingway để nói về ngày mới đầy rộn ràng của mình khi ở Vườn quốc gia Kruger Nam Phi.
Nơi đây là “một trong những khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã lớn nhất thế giới với thảm thực vật phong phú và hàng trăm loài động vật khác nhau”.
Đến với Kruger, bạn sẽ được đắm chìm trong thiên nhiên, lặng lẽ lắng nghe từng bước chuyển động của những chú hươu cao cổ, đàn ngựa vằn, những chú voi… giữa tiếng lá rung cây.
Trong chuyến hành trình được ghi lại trong cuốn sách, bạn còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi đá, của biển xanh trên đường đến Mũi Hảo Vọng, nơi cực Nam châu Phi.
Khi đọc những dòng nhật ký của tác giả, ước muốn được đặt chân đến địa danh này của bạn sẽ mãnh liệt hơn bao giờ hết. “Trời đổ về chiều, gió lạnh hơn, mặt trời trút những ánh vàng lai láng cuối cùng nhuộm vàng rặng đá xô hướng đầu ra biển, hải âu bay thành từng đàn, xô thành những vệt đen dài trên nền trời đầy mây cuộn lại”.
Một thành phố của đất nước Nam Mỹ mà ít người du lịch Việt Nam biết đến là Rio de Janeiro của Brazil, cũng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị về văn hóa, lịch sử và cảnh đẹp cho người đọc.
Nơi đây có bức tượng chúa Jesus lớn nhất thế giới, có những đường bờ biển dài và quyến rũ như Ipanema, Copacabana, hay Leblon, đặc biệt có đô thị Santa Tereza – “nơi chẳng có gì, nhưng lại có mọi thứ”.
Santa Tereza ngày nay vẫn còn lưu giữ lại những hình ảnh xưa cũ và truyền thống với những chiếc xe lửa cổ, khi đi xe du khách chỉ phải trả một số tiền mang tính tượng trưng. Với tác giả, Santa Tereza gợi nhớ về “những dãy phố nhỏ bé và cũ kỹ của Hà Nội”, và cần phải vừa ngắm nhìn vừa cảm nhận sâu sắc từng nhịp sống, từng ngôi nhà, từng ngõ nhỏ mới thấy được cái hồn của đô thị nhỏ bé này.
Điểm dừng của một cuộc dạo chơi, như người ta vẫn nói, đi là để trở về. Ký ức về Châu Âu những mùa xuân, mùa đông hay mùa thu, mùa hạ ngày nào trở thành gia tài riêng. Châu Âu trở thành nơi xa, tác giả trở về với Hà Nội của mình. “Nơi ấy tôi từng gọi là nhà, nơi đón tôi trở về sau mỗi chuyến đi xa, nơi tôi chìm trong những yêu thương quen thuộc rồi một ngày lại khao khát ra đi”.
Đời người như những chuyến tàu, ai cũng sẽ đi rồi dừng lại. Và ngoài kia, qua đông xuân hạ, mùa thu đang chầm chậm đi qua.
Tác giả Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân ĐH Ngoại Thương, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nghiên cứu văn hoá và truyền thông tại Học viện giáo dục London, và Đại học Aarhus, Đan Mạch. Cô từng sinh sống ở Đan Mạch và Italy. Hiện tại, cô làm việc và sống tại London, Vương Quốc Anh.
Bài đã đăng trên báo Zing.vn 4/9/2018.