Đêm nay thành phố mưa, những cơn mưa mùa hạ. Dẫu khuya rồi tôi vẫn pha cà phê và nghe những bản tình ca về Hà Nội. Tôi nhớ Hà Nội dù tôi đang ở ngay đây, giữa lòng Hà Nội. Nhưng tôi biết mình buồn nhớ bởi ngôi quán quen tới lui trong những năm tuổi trẻ này sẽ đóng cửa vào tháng Tám chớm thu.
Tôi chưa từng nghĩ đến việc ngôi quán ấy sẽ biến mất. Con người ta, dẫu biết mình yêu điều gì, lại thường chẳng hề chuẩn bị cho sự mất đi. Dẫu yêu, khi cận kề chia ly hoặc đã vụt qua rồi thì mới biết mình đã yêu nhường nào. Và bởi vì yêu, nên luôn coi sự tồn tại của đối phương là điều đương nhiên, nhất là với một ngôi quán đã ở đó hàng hai mươi năm, đã trở thành “điều gì đó” của biết bao người.
Ngôi quán ấy tôi nhiều năm gắn bó kể từ ngày biết gọi tên, biết ôm lấy những buồn vui, những hớn hở hân hoan, những biêng biêng riêng mình. Ở đó, tôi có một tình yêu trong mộng tưởng với chàng trai Hà Nội hát khúc “Phôi pha”. Chỉ bởi anh ta từng nói trong đêm nhạc tình, rằng anh ta yêu những ngõ phố, yêu bốn mùa Hà Nội. Ở đó, tôi từng ngồi khóc thầm sau một lần tỏ tình bị khước từ. Ở đó, tôi cuống cuồng với một nỗi sợ hãi của lần đầu tiên bị lường gạt nặng nề đến thế trong đời. Ở đó, tôi đã gặp bao người, người lạ người quen, người thương, người cảm mến. Ở đó, tôi đã đi qua biết bao mùa – xuân – hạ – thu- đông của những sáng sớm lẫn những buổi đêm.
Tôi yêu nơi chốn ấy. Vì một sáng sớm mùa đông nắng hé tôi đến, anh chủ quán tay xách những hồng thơm, hồng vàng để trưng. Vì cứ tháng Tư bình loa kèn được đặt bên bậu cửa. Vì tháng Mười cúc họa mi được trưng. Vì mùi thuốc lá phảng phất. Vì những bài ca của Trịnh. Vì nơi chốn ấy nỗi buồn tôi nương náu, vì nơi chốn ấy tôi chật vật, tôi cất giấu những mảy tình bé con, với người, với đời sống. Và vì nơi chốn ấy, tôi đã yêu Hà Nội biết bao.
Trong cuộc tình mộng tưởng, tôi rời khỏi thành phố nhiều năm và khi trở lại, mọi thứ vẫn vẹn nguyên. Ngôi quán còn đó trong phố nhỏ, chàng trai còn đó và vẫn hát “Phôi pha”. Nhưng tôi rời đi rồi tôi trở về, hiện thực lại không còn điều gì như cũ. Thời gian trôi đi, đã có thật nhiều những buồn vui đi qua và đi mãi, trong tôi, trong chàng trai ấy và trong ngôi quán này. Tôi bỗng nhớ những vần thơ cũ đau lòng thổn thức của nữ thi sĩ Nga, Olga Berggoltz, rằng:
“Em nhắc lại chuyện ngày quá khứ
Khúc hát say mê một thời thiếu nữ
Ngôi sao cháy bùng trên sông Nhê-va
Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà
Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn
Em mới hiểu bây giờ anh có lý
Dù chuyện cũ xa rồi, anh đã xa cách thế
Em hát khác xưa và khóc cũng khác xưa…”
Thì có bao giờ, những điều hôm nay mà lại không khác ngày xưa. Ở cái tuổi trẻ tự thấy không nhiều sôi nổi của mình, tôi nhiều lần lặng im ghé qua những thành phố. Và bởi tôi có thể cứ lặng im mà rảo bước nên tôi thường dễ yêu mến những thành phố. Cứ thế, nỗi nhớ trong tôi cứ loang dần. Không chỉ là nỗi nhớ với ngôi quán gắn bó nhiều năm. Tôi nhớ những chuyến đi ngồi bên cửa sổ toa tàu. Tôi nhớ về cái đêm ngồi ở một chốn lần đầu ghé, giữa điệu Jazz vang lên trong ly cocktail có whisky. Tôi cũng lướt qua bóng dáng người đàn ông đứng bên hiên phà khói thuốc. Để rồi tôi sẽ tiếp tục bước đi với cô đơn mình sẵn có.
Nhưng có những điều đã ăn sâu vào trái tim, vào khối óc. Như ngôi quán này với tôi, như Hà Nội với tôi. Cho dù thời gian qua đi và có thể, sau này tôi nhớ về ngôi quán cũ chỉ là nhớ cái cảm giác của một sáng tháng Ba hay một đêm đông tháng Mười Một ngồi đó uống cốc ca cao nóng, ngắm nhìn chàng ca sĩ hát bản tình ca cũ và nghe mùi khói thuốc; thì kỉ niệm, thì kí ức vẫn còn đó mà đôi khi lướt qua lối cũ còn dội lại những sóng lòng.
Và nỗi buồn bao giờ cũng ở lại, trong tôi, đâu đó quanh tôi, trong mấy ca từ chàng ca sĩ hát ngày nào và còn hát mãi.
“Thôi về đi
đường trần đâu có gì
tóc xanh mấy mùa
có nhiều khi
từ vườn khuya bước về
bàn chân ai rất nhẹ
tựa hồn những năm xưa.”
Bài đã đăng trên Hà Nội Cuối Tuần
Phan Nữ.