Em ở đây, tháng 8 của những hoài niệm.
Em đi, về trên những phố nhỏ, nhớ những cuộc lang thang một mình, ngày trời nắng, ngày trời lạnh. Và khi hoài niệm, trái tim em mềm như mưa.
Tháng 8, em xem Cassette Hoài Niệm, và thương những ngày xưa. Chiếc đài Cassette màu đỏ của bố và một phần tuổi thơ em. Chiếc đài chạy bằng bình sạc Đồng Nai với những giác cắm vàng, đỏ. Và những băng nhạc tiền chiến, cải lương, dân ca. Nên từ nhỏ em đã nghe và yêu thích những dòng nhạc này. Còn nhớ những cuộn băng hỏng thì lôi dây băng giăng từ đầu sân tới cuối sân.
Cho đến một ngày chiếc đài màu đỏ biến mất, em không nhớ rõ năm nào.
Ký ức sau đó là với chiếc đài tần số màu đen. Những buổi chiều ngồi ngoài sân vừa thái rau nấu cám cho heo vừa nghe chương trình ca nhạc. Rồi tối tối nghe câu chuyện cảnh giác. Vẫn còn nhớ mang máng tiếng bước chân người lính bước trong rừng ở câu chuyện. Bố thì nghe tường thuật bóng đá. Và có những đêm thời bé xíu ấy, em cùng bố nằm trên chiếc phản gỗ nghe chuyện đêm khuya. Viết đến đây, thấy hình ảnh bố trong quá khứ lại thật lặng lẽ, yên ắng. Nổi bật lên là vài mảnh ghép ký ức buồn, bên cạnh những phần vất vả. Đâu đó, thoảng thoảng thôi, là tiếng bố, tiếng mẹ hát cải lương, hát bài trữ tình. Những năm sau này, xa nhà nhiều hơn, số lần nghe bố mẹ hát chẳng có bao nhiêu.
Người bạn nọ, trong vài cuộc nói chuyện, đã có hai lần nói rằng: “Em không thích nhà nhỉ.” Đây là câu khẳng định, không phải câu hỏi. Không hiểu sao họ lại cảm thấy vậy. Nhưng, một phần nào đó trong em, đã luôn muốn đi xa.
Nhưng, xa là ở đâu. Xa như nỗi nhớ với người chưa gặp, với những nơi nao chưa qua? Xa như chính em, anh trong biển người nhiều trái ngang?
Và hiện tại đây…
Một sớm mai tháng 8, em đi bộ trong lòng khu tập thể rồi lạc vào một quán nhỏ. Cái giảm giác của lần đầu bước tới là hoài niệm dịu êm và thơm thơm cà phê. Ngồi ở quầy bar quan sát cậu bé pha chế xay cà phê rồi đun nước, thêm vài thao tác nữa cho món Americano em gọi, mới vui vui làm sao.
Cậu bé bảo, em thích làm buổi sáng, khách dù ít dù đông cũng cứ cảm thấy yên tĩnh hơn. Làm việc một mình, uống một ly cà phê và lắm khi nghe tiếng chim hót và nhìn sóc chạy quanh quanh trên những dây điện trong khu tập thể. Tưởng tượng đến khung cảnh làm việc ấy của cậu bé, thấy thật bình yên. Và đó cũng là một tâm hồn biết tận hưởng cái sự một mình.
Rồi cậu bé kể về những kỉ niệm làm việc nơi đây. Có một chú nhiếp ảnh gia, sáng nào chú cũng ghé từ 9h đến 11h rưỡi. Có vài người khách Tây, họ được giới thiệu nên đến trải nghiệm. Rằng hồi đầu, chúng em còn ép Espresso bằng tay, khách sáng đến cứ xếp hàng đợi.
Thế là ở em thử nghĩ về một lần nào đó chúng mình sẽ ngồi cùng nhau ở đây, cảm giác sẽ thế nào, khi cùng chờ uống một ly Espresso hay Americano. Nhưng có lẽ là không. Bởi em chẳng biết khi nào anh có mặt, anh đến, biến mất và rồi trở về. Và rồi em thôi không nghĩ thêm.
Và cuốn sách em đọc – Hoa trên mộ Algernon.
Một cuốn sách có những góc cạnh buồn, có những rung động và thật duyên dáng. “Tôi là một con người. Trước khi đặt mình xuống dưới lưỡi dao mổ thì tôi là một con người. Và tôi phải yêu ai đó.” Đúng vậy, là con người, chúng mình cần tình yêu, cần yêu thương để cuộc đời trở thành đáng sống, đáng trân trọng.
Và em thích Charlie với những biểu hiện mạnh mẽ khi bắt đầu nhận thức được tình yêu. Có phần e dè nhưng ngay sau đó lại mãnh liệt khao khát, được nói ra, được nói lời yêu, được hôn cô gái mình yêu.
Em đi bộ trên suốt những phố dài ngõ nhỏ và nghĩ suốt về tình yêu, ánh nhìn và cái chạm tay. Dẫu thật bé nhỏ nhưng vẫn luôn là điều em khao khát, sự khao khát ấy không hẳn là để lấp đầy mình, chỉ là đó, ai cũng sẽ yêu, ai cũng sẽ yêu ai đó mà thôi.
Hà Nội tháng 8 mùa thu.