Tháng Tám
Là mùa thu đến nhưng mùa hè vẫn chưa qua. Bầu trời có khi trong xanh, có ngày xám xịt và cũng thường xuyên mưa, sáng sớm, đêm tối và cả ngày dài.
Tháng Tám kỉ niệm tình bạn. Nhưng nếu là tình bạn, tháng nào cũng có thể kỉ niệm.
Tháng Tám, một ly rượu, một điếu thuốc, một cuộc tình qua ánh mắt.
Tháng Tám viết rằng: “Anh biết không, em thấy tóc mình đen dài trong đáy mắt anh ta. Mái tóc thơm mềm của mùa thu, mùa đông dịu dàng sắp tới. Em thấy cái vẻ nữ tính của một người con gái trong đáy mắt một người đàn ông.”
Tháng Tám, xung quanh vẫn là một đời sống ồn ào của đủ mọi bộn bề – công việc, đầu tư, vay vốn, yêu đương, nỗi buồn, những đứa trẻ, cha mẹ, giáo dục, niềm vui, nụ cười, cái bắt tay.
Tháng Tám, nhìn vào chú mèo, nghĩ về một chú chuột và nhớ tới một người.
—
Tháng Tám, đọc một cuốn sách – “Hoa trên mộ Algernon” của Daniel Keyes – một cuốn sách duyên dáng, dí dỏm, dịu dàng, lãng mạn và không thôi xót xa.
Charlie, 30 tuổi, thiểu năng trí tuệ, làm việc trong tiệm bánh. Bước vào cuộc phẫu thuật cho một thí nghiệm khoa học nhằm sửa đổi Gen, cùng với chú chuột Algernon. Cuộc phẫu thuột đưa Charlie từ bóng tối ra ánh sáng, và rồi từ ánh sáng trở về với bóng tối trong thế giới vốn là của anh.
Khi Charlie ở những ngày của trí tuệ thiên tài, có một điều anh đấu tranh mạnh mẽ nhất cho chính mình, rằng trước khi cuộc phẫu thuật diễn ra mình đã là con người, dù có là một người thiểu năng đi nữa. Và có lẽ, một trong những ý nghĩa của việc Charlie thông minh lên, là nói cho mọi người, cho bác sĩ, cho nhà khoa học biết rằng, anh vẫn luôn là con người.
Thực sự là một cuốn sách buồn, nhưng không phải những nỗi buồn ủy mị, nên là một cuốn sách hay. Đã khóc suốt phần cuối cuốn sách, và đọc lại vài lần không nguôi. Khóc từ khi Charlie để Alice ở lại nhà như cái ước muốn bên trong anh, và lần đầu tiên họ có thể làm tình mà không tồn tại nỗi sợ hãi từ cậu bé Charlie của quá khứ – của trước cuộc phẫu thuật. Charlie nói rằng, làm tình với Alice, với người mình yêu là một phép màu.
“Điều không hay duy nhất khi có Alice ở chung là bây giờ tôi phải chiến đấu chống lại nó. Tôi muốn ngưng thời gian lại, đóng băng bản thân ở mức này và không bao giờ để cho nàng ra đi.”
“Đóng băng bản thân ở mức này”, là cái mức của trí tuệ mà cả hai có thể hiểu những điều nói cho nhau nghe, ở cái mức có thể yêu nhau mà không có nỗi sợ hãi từ một cái bóng của một con người khác.
Charlie cuối cùng lùi lại hơn nữa so với điểm bắt đầu của cuộc phẫu thuật thí nghiệm – nghĩa là mức độ thiểu năng của anh sẽ lùi thêm nữa so với trước kia.
“Hoa trên mộ Algernon” thực sự có rất nhiều điều. Những câu chuyện, những nghĩ suy, những lời nói cho ta nhìn vào con người, nhìn vào cuộc đời, nhìn vào trí óc, nhìn vào trái tim, nhìn vào chính mình ở nhiều góc độ. Nhưng mỗi ngày ta bước qua cuộc sống này, kí ức về cuốn sách sẽ phai nhạt dần đi, nghĩa là ta cũng sẽ quên đi có những điều quan trọng nhưng vì không liên quan trực tiếp nên không bao giờ ta chạm tới.
Khi đến Warren – Trung tâm bảo trợ người thiểu năng, sẽ đến một ngày Charlie sẽ quên hẳn đi chú chuột Algernon, quên hẳn đi một Charlie đã từng là thiên tài. Nhưng những dòng cuối cuốn sách, người ta sẽ bật khóc khi đọc dòng tái bút của Charlie trong báo cáo tiến bộ: “T/b: làm ơn nếu có cơ hợi xin hãy đặt vài bông hoe lên mộ Algernon ở sân xau.”
Và, làm sao ta biết được, ánh sáng của mình tốt hơn bóng tối của người khác.
—
Tháng Tám, đọc thêm những dòng viết về Y. “Khi mình hỏi, Y cảm thấy Hà Nội thế nào, là chao ôi mình mong, Y nói Y yêu Hà Nội. Yêu cái trầm lặng, yêu những lộn xộn phố xá, yêu những món ăn. Nhưng Y chỉ là lữ khách đường xa. Y ở đây với những dự án cần hoàn thành trong chương này của cuộc đời.”
Chương này của cuộc đời mình là gì, tôi hỏi tháng Tám. Tháng Tám lúc này trả lời tôi bằng cơn mưa, cơn mưa thu, cơn mưa hè lẫn lộn trong trái tim.