Những câu chuyện trong “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki”, dù ở khi hạnh phúc hay lúc nghịch cảnh, cảm tưởng chung luôn là một khung cảnh cuộc sống thật êm đềm với những tâm tình nho nhỏ mà sâu lắng xoa dịu trái tim người đọc.
“Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” là tác phẩm đầu tay của tác giả Yagisawa Satoshi. Cuốn sách giành giải thưởng văn học Chiyoda (giải thưởng của đặc khu Chiyoda thuộc thành phố Tokyo) năm 2008. Tôi đọc cuốn sách nhỏ này hai lần. Nếu ở lần đầu, với cảm quan cá nhân thấy có đôi chút vụng về của một sáng tác đầu tay; thì ở lần đọc thứ hai, sự “vụng về” ấy tôi cho rằng đó là những vụng về của sự chân thật ở tính cách nhân vật, một sự chân thật rất Nhật Bản.
Cô gái Takako hiền lành bị người yêu lừa dối rồi bỏ việc. Trước sự lo lắng của mẹ, để làm mẹ hài lòng cô đồng ý đến trông hiệu sách Morisaki giúp người cậu ruột – Satoru đã 10 năm không gặp. Ban đầu đây chỉ là sự lựa chọn đối phó của Takako, những ngày đầu mới đến cô luôn ngủ vùi để trốn tránh nỗi buồn. Cho đến một đêm, vì không ngủ được, Takako cầm một cuốn sách lên đọc và đã đọc cho đến tận sáng. Từ đây, những cuốn sách dần dần mở ra cho Takako một đời sống mới, khác với cuộc sống “tạm tạm” bấy lâu.
Đời sống mới ấy không chỉ là những điều cô biết về cái hay, cái đẹp của văn học, về lịch sử, về dấu tích của thời gian hay giá trị của những hiệu sách cũ. Mà đời sống mới ấy là cách cởi mở tấm lòng mình, là sự đồng cảm và là cách nhìn đối với những câu chuyện của chính mình và của người thương quen. Mà chính như một đoạn ngắn trong cuốn sách “Tâm cảnh” (tên gốc Aru kokoro no fukei) của tác giả Kajii Motorirou Takako yêu thích – “Xét cho cùng, thì nhìn là gì? Là một phần, hoặc toàn bộ linh hồn ta đều chuyển hóa từ việc đó.”
“Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” dễ khiến người đọc yêu mến, bởi bối cảnh và những câu chuyện đều có sự liên quan đến sách. Niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, tình thân, truyền thống gia đình, ước mơ, nghịch cảnh. Và chính như tiêu đề cuốn sách, đó còn là những giấc mơ – giấc mơ tìm thấy chính mình, tìm thấy lối đi cho cuộc đời mình.
Với Takako là thoát khỏi một đời sống thiểu não vì bị lừa dối để đến với một thế giới thú vị hơn. Với người cậu Satoru là gìn giữ hiệu sách cũ truyền thống của gia đình và là nơi anh ta thấy mình thanh thản nhất. Với Momoko (vợ Satoru) là giấc mơ về sự trở về, về một bến đỗ bên chồng. Với anh chàng Wada là tìm quên nỗi buồn chia tay bạn gái để rồi gặp gỡ Takako… Và cùng với những nhân vật khác dù xuất hiện không nhiều nhưng đều mang một ý nghĩa riêng, làm trọn vẹn thêm vai trò chữa lành, giá trị kết nối, sứ mệnh – khiến con người biết lắng nghe, biết bao dung – của những cuốn sách.
Và chính “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” cũng là một cuốn sách chữa lành. Sự chữa lành ấy không phải là giúp ta vượt thoát khỏi một nỗi đau lớn lao nào, mà ở đó chứa những điều nhỏ bé có thể khiến con người ta yêu cuộc sống bằng một tình yêu bền bỉ. Đó là cảm giác hồi hộp, những cảm xúc đấu tranh, nỗi rung động như sóng nước lăn tăn trước người mình thích của cô gái tuổi hai lăm; là cái ôm an ủi vỗ về cho những vất vả của người mình yêu quý, là sự tình cờ gặp mặt ở quán quen, là cái lặng nhìn lưu luyến về ngôi nhà mình đã sống, là sự chia sẻ một cuốn cuốn sách hay, là một lời cảm ơn hay một lời bày tỏ tấm lòng đã cất giấu bấy lâu…
Thêm một điều mà tôi đọc thấy từ cuốn sách, đó là: Dù bạn là ai, một người bình thường với nhiều khiếm khuyết đi nữa, miễn bạn là chính mình với tấm lòng chân thành, bạn luôn có thể trở thành chỗ dựa cho những người thương yêu bên cạnh, đều có thể chữa lành cho những người mình gặp gỡ và rồi sẽ tự chữa lành cho chính bản thân mình. Và “Dù ở đâu hay với ai, chỉ cần thành thật với trái tim thì đó sẽ là nơi dành cho mình.”.
Đã lược đăng trên Báo Hà Nội Mới Cuối tuần.