Tôi ở đây, những sáng mai thành phố tháng Mười đầy gió, đi bộ và đeo tai nghe, spotify quay đều album trộn lẫn những bài ca của Trịnh và Đỗ Bảo. Tháng Mười, chưa rét nhưng trong cơn gió đã có vị mùa đông. Trên những chuyến xe buýt đi ngang kỉ niệm cũ, tôi đọc “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của nhà văn Haruki Murakami rồi chuyển sang “Những tù nhân của địa lý” của nhà báo Tim Marshall.
Đi bộ, đọc sách hay nghe nhạc, thì niềm vui và nỗi buồn trong những ngày lành lạnh tháng Mười luôn trộn lẫn vào nhau khó nói ra thành lời.
Tháng Mười, có cuộc chiến tranh chưa kết thúc. Tháng Mười, một cuộc chiến tranh vẫn ngấm ngầm bấy lâu lại bắt đầu. Những cuộc chiến tranh vẫn luôn diễn ra, bên trong một người, giữa nhiều người và trên toàn thế giới này, ngay biên giới hoặc ngoài biên giới. Và giữa những cuộc chiến tranh, luôn có những đứa trẻ ngồi chau mày vì đau, vì buồn và chơ vơ giữa đống hoang tàn.
Tháng Mười bên ly rượu, người bạn hỏi tôi, “dạo này có gì rất vui không”. Chẳng rõ, “rất vui” nên định nghĩa thế nào là đúng. Nhưng nhìn lại, thấy những reo vui bây giờ thật giản đơn và lặng yên thôi.
Tôi vui khi một đêm trời trở gió, có chị tôi chở ra phố uống ly cà phê muối vừa mằn mặn vừa ngậy béo, cùng nhau đi dọc những con đường và hít hà mùi hoa sữa đầu đông. Rồi một sáng tháng Mười se sẽ lạnh, tôi mặc cardigan mỏng lên Đinh ngồi ngắm bình cúc trên chiếc ghế gỗ và nghe những ồn ào cười nói. Tôi vui vào ngày cuối tuần được ra chợ mua một bó hồng thơm, về cắm cho thơm ấm căn phòng nhỏ giữa lòng thành phố chật đông.
Nhưng tháng Mười cũng như những tháng khác, nỗi buồn luôn hiện diện. Nỗi buồn là một điều đặc biệt, không giới hạn không gian lẫn thời gian. Nỗi buồn nhiều thế có lẽ bởi như Đỗ Bảo viết trong một bài ca: “Ta là từng người buồn/ Thì mãi mãi biết là bao lâu/ Người buồn đi vòng quanh/ Đời dài rộng cũ kĩ.” Nhưng sống là trộn lẫn giữa buồn sợ và mê si, nên “Biết sao cho vơi/ Nỗi sợ và mê si”. Vơi đi, biết đâu lại không còn là “sống”.
Tháng Mười, tôi bước trên đường, nghĩ nếu có một mùa tôi yêu Hà Nội nhiều hơn, thì đó là mùa đông. Dẫu mùa đông luôn có những hoang mang không tên dội về. Dẫu mùa đông, hai bàn tay tôi khi nào cũng lạnh. Dẫu mùa đông, môi khô, tóc rối, mắt buồn. Dẫu mùa đông, ai đó đã rời đi vào ngày mưa phùn và thế là đi mãi. Và mùa lạnh, luôn là mùa tôi thấy mình mất mát, thấy cô đơn chơi vơi chất đầy trái tim. Nhưng đi trên phố tháng Mười, tôi luôn thấy mình được vỗ về bởi cơn gió có rét mướt len lỏi, bởi cái yên ắng của đêm, bởi ngọn đèn vàng luôn bên mình khi dạo bước.
Tháng Mười, tôi cùng bạn đi xem chương trình nhạc kịch “The sound of Music”, được dựng dựa trên bộ phim đoạt giải Oscar “The Sound of Music” của đạo diễn Robert Wise. Người dẫn giới thiệu về nội dung nhạc kịch có đoạn: “Bằng tình yêu, sự quyết đoán và âm nhạc, Maria đã cảm hóa được các thành viên trong gia đình đại tá Von Trapp khó tính và cùng họ trải qua những biến cố cuộc đời.” Tôi cứ nhắc mãi trong đầu những từ “tình yêu, sự quyết đoán và âm nhạc” ấy. Có lẽ vì tôi cho rằng, đó là cách người ta có thể tìm thấy hạnh phúc cho mình, mà trong đời sống tôi, đã thiếu đi quyết đoán. Tôi nhớ như để nhắc mình đấy thôi, rằng hãy mạnh mẽ, hãy bước qua tổn thương và tiến đến, với tình yêu, với hạnh phúc.
Tháng Mười, mùa đông mới bắt đầu gõ cửa, mùa thu chưa đi qua. Cái dùng dằng thu-đông khiến lòng người xao xuyến nôn nao. Tháng Mười, mong những cuộc chiến tranh trên thế giới này dịu lại. Tháng Mười, mong ai đó có thể nắm lấy tay đứa trẻ đứng lên khỏi đống hoang tàn và bước đến với điều tốt đẹp hơn.
Tháng Mười, tôi không biết mình có gửi đi bức thư viết cho người, nhưng tình yêu vẫn luôn sẵn đây trong tôi, dù yêu ai, yêu điều gì đi nữa cũng là vì chính ta mà thôi.