Em ở đây.
Mùa đông đã về thật rồi, trên đôi bàn tay và trên từng ngón tay ngoan. Lạnh lạnh, tê tê và có phần nhỏ gầy lại.
Em đi bên phố, dưới ánh đèn vàng của nhập nhoạng chiều đông. Có khi em co ro mình trong chiếc áo khoác màu xanh than, rồi lại ngửa mặt nhắm mắt để cái lạnh táp vào má môi. Thấy thỏa thích sau mấy ngày hồi hộp thấp thỏm chờ đợi gió mùa về. Cái lạnh có khi khiến em trở nên kì quặc như vậy, hoặc được kì quặc như vốn là.
Người bạn ở phương xa Sài Gòn nhắn hỏi, Hà Nội nay lạnh rồi hả, ở ngoài (Hà Nội) cũng hay nhỉ, giao mùa đủ thứ cảm xúc. Bởi thế nên em yêu Hà Nội.
Buổi sáng lạnh, bước đi với áo khăn, rồi tranh thủ thảnh thơi một lúc, dẹp bỏ mọi nghĩ suy dằn vặt, ngồi uống ly espresso nóng (single shot) không đường và đọc mấy trang sách thơm mùi giấy. Đó thật sự là những phút giây tuyệt vời, mãn nguyện dù ngắn ngủi đi nữa. Cái lạnh làm mọi thứ dịu lại, im ắng.
Mùa đông, em đi trên đường và nghe audio giới thiệu sách. Có một câu thế này, “Cuộc sống đâu chỉ có tạm bợ trước mắt, mà còn là thơ ca và những gì ở phương xa.” Câu nói cho ta hiểu rằng đời sống cần cái đẹp, cần thơ ca và cần những mơ ước, mơ ước về những điều tốt đẹp. Nhưng quả là lắm khi ta không thể nào ngăn chia rạch ròi được giữa đời sống hiện thực khó khăn và vài phút giây hoàn toàn tận hưởng những mơ mộng nhỏ bé.
Đêm qua, con mèo đã réo gọi để được vào phòng ngủ cho ấm. Suốt cả mùa hè thì ngủ ở cầu thang. Em ngồi với ánh đèn bàn học, nó nhảy vào lòng em rồi rụi rụi. Mùa đông, mèo cũng thấy cần được gần gụi, sưởi ấm hơn những mùa khác.
Mùa đông, em nghĩ nếu có ai đó nắm tay cho âm ấm lên thì tốt rồi. Nhưng nếu không ai nắm tay, thì cứ tự tận hưởng lấy rét mướt một mình, như bao mùa đông đã qua vẫn thế. Mặc áo len, quàng khăn ấm, ăn ngô nướng là cái vui tao nhã em thấy ở mùa đông, nên dẫu cô đơn cũng không phải điều gì đang đòi hỏi sự chịu đựng. Cái lạnh khô loang trong không gian và ôm trùm lấy em, thế là thấy một phần thỏa thê chảy trong tim, trong cơ thể.
Em học viết mấy câu tiếng Anh. Em viết: “Actually, It is so hard now. What can I do now?”. Ứng dụng “improve writing” gợi ý viết lại thế này: “It’s a difficult thought to process. But for now, I must focus on what I can do in the present”. Wow, rõ ràng, câu chữ thể hiện thái độ. Tìm cách viết khác đi, có thể khiến mình nghĩ khác đi và điều đó có thể thúc đẩy những hành động khác đi.
Em đọc The Definding Decade (of course Vietnamese version), cuốn sách của tác giả Meg Jay – Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng. Cuốn sách mang đến nhiều góc nhìn, mà đôi khi ta cứ trôi theo cuộc sống, để những điều ngặt nghèo của cuộc sống kéo mình khỏi nhiều sự thật.
Tác giả chỉ ra rằng, dẫu quan niệm, lối sống, suy nghĩ các thế hệ có sự thay đổi; nhưng chiếc đồng hồ sinh học của con người vẫn luôn thế. Bây giờ ta thường thấy nhiều người sinh con muộn ở độ tuổi 35 – 40 tuổi. Nhưng nhữnng năm của tuổi 20, đặc biệt là trước tuổi 25 được cho là độ tuổi tốt nhất cho việc sinh con. Đây là một sự thật khoa học bị bỏ quên bởi sự thay đổi của môi trường sống hiện đại.
Và em ước gì mình đã đọc được cuốn sách sớm hơn, khi em 25 tuổi, hoặc muộn chăng khi em 27 tuổi. Có quá nhiều điều cần sửa chữa cho tuổi trẻ đã rơi tuột qua tay. Người ta hay nói, thà muộn còn hơn không. Nhưng có những chuyện, thực sự muộn là đã muộn rồi.
Mùa đông ở đây, để mùa thu chết rồi. Em nghe “Come away with me” và muốn cùng anh đi bộ trên đường, phố nhỏ hay đại lộ, bên một bìa rừng hay trên lối mòn dẫn lối đến những cánh đồng. Nhưng em biết, chỉ khi trái tim mình đủ tự do.
14.11.23