Bài review đã đăng trên báo HNM Cuối tuần số 49/7.12.23
Hành trình từ một người thiểu năng trí tuệ với mức IQ 68 trở thành một thiên tài của Charlie Gordon thể hiện một cách rõ rét và sâu sắc, những phức tạp trong tâm trí và cảm xúc của con người, đồng thời khẳng định những điều tạo nên giá trị của một con người.
“Hoa trên mộ Algernon” của Daniel Keyes thực sự là một cuốn sách duyên dáng, dí dỏm cũng vô cùng xót xa, cảm động. Và càng không thể phủ nhận rằng, đây là một cuốn sách lãng mạn với những rung động trong tình yêu, tình thương, tình người.
Charlie Gordon 32 tuổi nhưng nhận thức dừng lại ở một đứa trẻ. Anh được chọn tham gia một cuộc thí nghiệm khoa học cùng với chú chuột Algernon, nhằm có được trí khôn. Sau cuộc phẫu thuật, Charlie trở nên thông minh. Kể từ đây, hành trình đi tìm chính mình, tìm nguồn gốc của Charlie bắt đầu. Cũng từ đây, những phức tạp trong tâm trí, nội tâm, những ranh giới tốt đẹp, xấu xa, hạnh phúc, bất hạnh của con người bộc lộ rõ.
Và hành trình ấy, được Charlie kể dưới dạng nhật ký “báo cáo tiến bộ”. Từ những trang viết lỗi chính tả dày đặc, dần thưa dần, trở nên chính xác và rồi cuối cùng lại quay về những lỗi ban đầu. Những thay đổi này thực đã bóp nghẹt tim người đọc.
Điều gì định nghĩa giá trị, ý nghĩa cuộc đời con người?
Một điều khiến người đọc suy ngẫm nhiều hơn cả qua những đấu tranh trong tâm trí và cảm xúc của Charlie, là điều gì quyết định giá trị con người và điều gì khiến sự tồn tại hay cuộc sống của một người có ý nghĩa.
Khi Charlie còn là một người thiểu năng, anh thấy mình có nhiều bạn tốt dù những điều họ làm với anh là những trò độc ác. Nhưng Charlie không đủ nhận thức để hiểu điều đó mà chỉ vô thức cảm thấy đau lòng.
Khi Charlie ở những ngày của trí tuệ thiên tài, anh nhiều nghĩ suy và nhiều đấu tranh. Một điều mà anh đấu tranh mạnh mẽ nhất cho chính mình, đó là trước khi bước chân vào phòng thí nghiệm với cuộc phẫu thuật, anh vẫn là con người. Một người biết vui buồn, biết đau đớn dẫu không biết gọi tên điều đó và anh luôn khao khát việc biết đọc, biết viết, muốn trở nên thông minh hơn.
Với “Hoa trên mộ Algernon” có thể thấy Daniel Keyes đã rất dụng công trong xây dựng tâm lý nhân vật. Đặc biệt là trong quá trình đi tìm chính mình, tìm lại ký ức, nguồn cội và nhìn thấu những nỗi đau của chính mình của Charlie.
Mặc dù vẫn kiên tâm học tập để giữ lấy trí tuệ đang có, nhưng Charlie cũng nhận ra và nói với Charlie của trước kia đang dõi theo anh rằng: “Ai dám nói rằng ánh sáng của tôi tốt hơn bóng tối của cậu? Ai dám nói rằng chết còn tốt hơn là sống trong tăm tối như cậu?” Bởi với mỗi người, hạnh phúc và giá trị cuộc đời được định nghĩa khác nhau.
Đồng thời, những đấu tranh tâm lý ở Charlie cũng thể hiện thông điệp về những điều tạo nên một cuộc đời ý nghĩa.
Trong cuộc tranh cãi với giáo sư khoa học, người chọn Charlie cho cuộc phẫu thuật thử nghiệm thay đổi trí tuệ, Charlie hét lên rằng: “Nhưng tôi biết rằng, chỉ có mình trí tuệ sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Ở đây, trong trường Đại học của ông, trí tuệ, giáo dục, kiến thức, tất cả đều trở thành những thần tượng tuyệt vời. Nhưng giờ đây tôi biết có một điều mà các ông đều bỏ qua: trí tuệ và giáo dục mà không có tình cảm con người an ủi đều chẳng đáng một xu.”
Những điều này khẳng định rằng, dù thông minh hay không, điều làm nên giá trị của con người là nhân tính, là tình cảm.
Charlie cuối cùng lại lùi lại hơn nữa so với điểm bắt đầu cuộc phẫu thuật, nghĩa là mức độ thiểu năng lại tăng thêm một bậc. Cái chết của Algernon – người bạn đồng hành của Charlie trong cuộc phẫu thuật là sự báo trước cho những điều tồi tệ đang chờ đợi Charlie ở phía trước.
Nhưng rõ ràng, từ hành trình của Charlie hay từ những trải nghiệm trong thực tế, có thể thấy rằng, con người ta dù là ai cũng là gồm cả những được và mất. Cùng với đó, sự đồng cảm, tình yêu, tình người là nền tảng của loài người.
Và điều quan trọng, sau tất cả, Charlie thấy mãn nguyện khi đã biết rõ về gia đình, đã yêu sâu sắc một cô gái, đã hiểu mình là ai, giá trị của mình ở đâu. Cuối cùng, anh chấp nhận sự sắp đặt của tạo hóa, tự nhiên và dũng cảm đi tới Waren, dù chờ đợi ở đó là cái chết đi chăng nữa.
Đọc “Hoa trên mộ Algernon” chắc hẳn bạn sẽ muốn ôm lấy Charlie mà vỗ về. Lời cuối cùng của Charlie, câu cuối cùng của cuốn sách có thể khiến người đọc khóc, và cũng người đọc thấy thật trọn vẹn. “t/b: làm ơn nếu có cơ hợi xin hãy đặt vài bông hoe lên mộ Algernon ở sân xau.” Trọn vẹn bởi, Charlie đã được hiểu rõ số phần mình, đã được khao khát tình yêu và được yêu, đã biết rằng “Trí tuệ là một trong những món quà tuyệt vời nhất của con người. Nhưng thường thì người ta vẫn để tâm tìm kiếm tình yêu.”
Hanoi, tháng 9/2023.