Đưa người đọc vào vòng quay của nhục dục thầm kín, của tình yêu hư vô mà day dứt, của nỗi buồn vương vất bên cạnh sự hiện thân của cái đẹp là đặc trưng của tiểu thuyết Yasunari Kawabata.
“Ngàn cánh hạc” là tác phẩm chưa hoàn thiện của Kawabata, bởi chiếc túi du lịch trong đó có cuốn sổ tay ghi chép bị đánh cắp tại lữ quán ở Tokyo, nơi ông dùng làm phòng làm việc. Không ai biết ngoài phu nhân tác giả, và câu chuyện được giữ im lặng suốt hai mươi mấy năm là do ông muốn tránh làm phiền lữ quán vốn đã nhờ cậy họ nhiều.
“Ngàn cánh hạc” được viết theo kiểu liên tác từ năm 1949 đến năm 1951. Năm 1952, do đề nghị của nhà xuất bản và sự cân nhắc về độ dày của một cuốn sách, “Ngàn cánh hạc” được phát hành chung với “Tiếng rền của núi”. Dù tác giả đã chấp nhận có thể dừng ở đâu cũng được, nhưng cả hai tác phẩm đều được phát hành hết phần đã được viết và công bố.
Tuy các ghi chép còn lại ít nhiều và dù rất muốn viết tiếp “Ngàn cánh hạc” nhưng việc mất cuốn sổ tay ảnh hưởng nặng nề đến mức khiến tác giả không thể viết tiếp và cơ hội cuối cùng không quay lại.
Cũng như hầu hết các tác phẩm của Kawabata, “Ngàn cánh hạc” mang âm vọng tình yêu của những người đàn bà. Nhưng người đọc mơ hồ rằng liệu ai mới nhân vật chính của tác phẩm. Khi mỗi nhân vật đều là một mắt xích của dây chuyền những mối quan hệ có vẻ kì quái, vô luân. Khi cảm xúc đối với người này luôn tồn tại sự liên tưởng mơ hồ tới người khác. Và thậm chí, có khi chén trà Shino lại mang đến cảm giác là nhân vật chính của tác phẩm.
Sau bốn năm cha Kikuji mất, anh dự buổi tiệc trà của Kurimoto Chikako, người có quan hệ với cha anh trước kia. Tại đây anh gặp lại phu nhân Ota – người tình của cha cho đến cuối đời cùng người con gái tên Fomiko đến tuổi cập kê. Anh cũng gặp cô con gái nhà Inamura với chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc vắt trên vai – cô gái với vẻ đẹp thuần khiết mà Chikako đang muốn mai mối cho anh.
Phu nhân Ota xúc động khi gặp lại bóng dáng người tình cũ trong Kikuji. Trên đường về, hai người vào quán trọ ăn tối, trọ lại cho đến sáng hôm sau. Hai người như bước vào một thế giới khác. Thế giới mà phu nhân Ota không phân biệt được rạch ròi cha Kikuji và chính anh. Thế giới mà không hề có bóng dáng của đạo đức. Và Kikuji, dù bất an và cảm thấy tội lỗi, vẫn ngoan ngoãn bị mời gọi rơi vào thế giới ấy.
Phu nhân Ota tự sát sau đó vài ngày vì mặc cảm mình là người đàn bà xấu xa. Kikuji và Fumiko gặp nhau nhiều hơn sau cái chết của phu nhân Ota. Cả hai dần dành tình cảm cho nhau, và cũng như mẹ mình, Fumiko đối với Kikuji không có sự phản kháng nào. Nhưng cũng lại bởi mặc cảm xấu xa, trái đạo đức, Fumiko bỏ đi mà không nói lời tạm biệt Kikuji.
Lại nói tới cô con gái nhà Inamura, Yukiko. Từ khi gặp ở tiệc trà của Chikako, Kikuji chỉ gặp lại cô hai lần khi cô đến thăm anh. Trong cảm xúc dành cho phu nhân Ota hay Fumiko, Kikuji vẫn thường nhớ tới sự dịu dàng, mùi hương và chiếc khăn furoshiki ngàn cánh hạc của Yukiko. Hình ảnh của Yukiko luôn hiện lên với vẻ thuần khiết, thanh cao, đối lập với ký ức đồi bại của Kikukj với phu nhân Ota và con gái Fumiko. Sau này, khi đã kết hôn với Yukiko, vì ám ảnh với ký ức về phu nhân Ota và Fumiko, Kikuji luôn cảm thấy mình là kẻ đê tiện trước vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng của Yukio mà không thể yêu Yukiko như một người chồng khỏe mạnh.
Có thể nói “Ngàn cánh hạc” là một khúc bi thương về thứ tình ái đầy nhục cảm, say đắm, day dứt mà hư ảo. Kikuji yêu Fumiko bằng thứ tình yêu chập chờn giữa thực và ảo, giữa hình ảnh người tình quá cố và cô con gái của người tình. Và trong tâm trí Kikuji, hình ảnh Yukiko với chiếc khăn hồng ngàn cánh hạc luôn hiện lên như thứ cứu chuộc anh ra khỏi những mối quan hệ tội lỗi, vô đạo đức của cha con anh.
Yukiko là nhân vật mang vẻ đẹp thuần khiết và tồn tại hư ảo trong “Ngàn cánh hạc”. Nhưng đó là hiện thân của cái đẹp, của ánh sáng, của sự hồn nhiên giữa những mặc cảm tội lỗi và nỗi buồn vương vất bao trùm cả tác phẩm. Hai hình ảnh: vết chàm trên ngực Chikako mà Kikuji vô tình thấy khi còn niên thiếu và chiếc khăn hồng ngàn cánh hạc của Yukiko trở đi trở lại trong tâm trí Kikuji, như hai thái cực của cái xấu và cái đẹp.
Trong “Ngàn cánh hạc”, Kawabata đặt các nhân vật, các mối quan hệ đều liên quan đến trà đạo. Các dụng cụ pha trà như bình shino, chén shino hay chén Oribe trở thành kỉ vật ám ảnh, đeo bám cuộc sống của Kikuji, Fumiro, Chikako. Nhưng đó cũng là công cụ giải quyết những bế tắc trong mặc cảm tình yêu tội lỗi, vô luân của các nhân vật.
“Ngàn cánh hạc” nói về tình yêu nhưng nhân vật không nói tiếng yêu. Nói về nhục dục nhưng không chút tục tĩu. Nói về vẻ đẹp của người đàn bà qua cánh tay tròn bờ vai thon. Vẻ đẹp của những đóa hoa cắm trong bình shino hay trong trái bầu đẹp mơ màng như bài thơ haiku. Và cái đẹp của thiên nhiên hiện lên trong đôi mắt mùa xuân của người vợ mang vẻ thuần khiết, ánh hồng.
Tác phẩm của Kawabata cũng thể hiện rõ ranh giới mỏng manh giữa tội lỗi, điều trái đạo đức và cái đẹp. Phu nhân Ota dấn thân vào tình yêu tội lỗi và dù chỉ sống trong phần đầu tác phẩm nhưng luôn nằm trong tâm tưởng Kikuji như một vẻ đẹp kiệt tác.
Và mặc dù hư ảo, hiện thực vẫn thật nổi bật trong “Ngàn cánh hạc” với hình tượng nhân vật Kurimoto Chikako. Đây là nhân vật hiện thân của cái ác, sự ti tiện, đố kị, xấu xa. Cái chết khi chỉ một mình của Chikiko ở phần cuối cùng được viết có lẽ là quy luật không tránh khỏi.
Phiên bản “Ngàn cánh hạc” vừa phát hành năm 2020 của NXB Hồng Đức và IPM bao gồm 10 phần nội dung tiểu thuyết cùng hai phần giải thuyết và giải đề.
Yasunari Kawabata là tiểu thuyết gia Nhật Bản đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn chương sau Rabindranath Tagore và Shmuel Yosef Agnon. Ông sinh ngày 14/6/1899, tại Osaka. Kawabata mồ côi khi mới lên 2, từ đó ông và chị sống cùng ông bà ngoại. Khi Kawabata lên 7 tuổi, bà ngoại qua đời. Năm ông lên 9 thì mất chị. Ông ngoại mất khi Kawabata được 14 tuổi, sau đó ông phải về Tokyo sống với gia đình người dì. Ở tuổi đôi mươi, Kawataba bị cô gái ông hết lòng yêu thương từ hôn không một lời giải thích.
Chính tuổi thơ bất hạnh và cuộc sống cô đơn côi cút dưới sự ảnh hưởng của chiến tranh đã tạo nên cảm thức cô đơn, nghiệt ngã trong các tác phẩm văn chương của Kawataba.
Năm 1972, Kawabata tự tử bằng khí đốt, hành động đi ngược lại với tư tưởng phản đối kịch liệt việc tự sát trước đó của ông. Có nhiều giả thuyết được đưa ra về cái cái chết của ông, tuy nhiên Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh, nên cho đến nay nguyên nhân cái chết của ông vẫn là một bí ẩn.
Tháng 3/2020.