“Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” của nhà văn Richard Flanagan đoạt giải Booker 2014. Cuốn tiểu thuyết là một bức tranh đa chiều và chi tiết về quá trình xây dựng con đường sắt tử thần từ Xiêm sang Miến – công trình ước tính đã giết chết đến 12000 tù binh và 90000 lao động cu li châu Á.
Không chỉ chỉ là cách tôn vinh những ký ức về chính người cha tác giả đã từng tham gia xây dựng tuyến đường sắt, cuốn tiểu thuyết còn thể hiện suy tưởng sâu sắc, lớp lang về mối quan hệ giữa lịch sử và ký ức thông qua hình tượng nhân vật chính bác sĩ Dorrigo – được xây dựng dựa trên hình mẫu bác sĩ Trung tá Edward ‘Weary’ DunlopEdward, người anh hùng thời chiến của nước Úc với lòng dũng cảm và lòng trắc ẩn tượng trưng cho tinh thần phi thường của những người làm việc và hy sinh trên tuyến đường sắt.
Bên cạnh những sự thật khốc liệt trong chiến tranh, “Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” còn là một bản tình ca về tình yêu, tình bạn, tính người được viết bằng thứ văn thật đẹp, dịu dàng lẫn ráo riết, bất lực lẫn thiết tha.
Chiến tranh là rất nhiều điều
Tuần báo Anh The Observer nhận xét rằng đây là “Một tác phẩm sẽ sớm trở thành kinh điển”. Tin là vậy. Bởi như Dorrigo Evans nói với cậu phóng viên trẻ viết bài về những người đã sống sót sau khi hoàn thành xây dựng tuyến đường sắt rằng: “Vấn đề không phải là cậu không biết gì về chiến tranh, cậu trẻ ạ. Vấn đề là cậu đã biết một điều về chiến tranh. Mà chiến tranh là rất nhiều điều.” Và cuốn sách bao gồm “rất nhiều điều” về chiến tranh.
Chiến tranh qua đi, sự thật ta nhìn thấy là những con số thể hiện người chết; những khốc liệt, những hậu quả để lại với người sống. Nhưng chiến tranh không chỉ có thế, giữa những cuộc chiến là con người, là tình yêu, là tội ác, là đau đớn, là tính thiện, là hư vô. Đến cuối cùng, chiến tranh là ký ức, là lịch sử, là mối quan hệ giữa lịch sử và ký ức, là cách người ta đối diện diện với cuộc chiến đã đi qua.
“Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” là tiếng nói của rất nhiều người, những tù binh Úc, những cai tù, sĩ quan quân đội Nhật, những người trên chiến tuyến, những người sau chiến tuyến. Mỗi người nhìn thấy những điều khác nhau về chiến tranh, mỗi người có một ký ức về chiến tranh, mỗi người chọn nhớ về cuộc chiến đã qua theo những cách khác nhau.
Đọc Đường hẹp lên miền Bắc thẳm là đi sâu vào tuyến đường sắt đang hình thành, vào một thế giới mà như Dorrigo Evans nói: “Các tù binh có những lý do thích đáng để gọi cuộc từ từ lao dốc vào điên loạn tiếp theo ngắn gọn bằng chữ Tuyến. Từ đó rồi mãi về sau, đối với họ trên đời chỉ có hai loại người: những người ở Tuyến, và phần còn lại của loài người, không có ở đó. Hoặc có thể chỉ có một loại người: những người đã sống sót sau khi ở Tuyến. Hoặc có thể, xét đến cùng, cả hai điều này cũng chưa đủ. Dorrigo Evans ngày càng ám ảnh với ý nghĩ rằng chỉ có những người đã chết trên Tuyến.”
Ở thế giới đó ta thấy, cuộc chiến tranh đế quốc-đồng minh thu nhỏ lại là cuộc đấu tranh nên ăn miếng cháo loãng bây giờ hay sau vài tiếng nữa thì sẽ đỡ đói hơn; là cuộc mặc cả qua lại giữa Dorrigo và viên sĩ quan người Nhật Nakamura – từ năm trăm người xuống bốn trăm hai mươi chín người phải làm việc để hoàn thành đoạn đường sắt; là những đấu tranh buông bỏ hay tiếp tục bò lết về lều giữa đoạn đường lõng bõng nước mưa và ỉa chảy của tấm thân Gardiner Đen chỉ còn trơ xương, là nỗi thù hằn không nói ra của MacNeice Gà Trống khi nghi ngờ Gardiner Đen ăn trộm quả trứng – để cuối cùng phát hiện ra quả trứng bị lẫn và cái áo sơ mi trong ba lô khi Đen đã chết…
Chiến tranh là những điều như thế ở thế giới của những tù binh, những người lao động cưỡng bức; chiến tranh là nơi mà người ta từng giây phải giành giật lấy sự sống bởi những cuồng vọng “bốn bể là nhà” của đế quốc. Nhưng điều quan trọng hơn cả, là giữa cuộc chết chóc tàn khốc, giữa đói khát, giữa tội ác; tất cả họ đều nghĩ về sự sống, đều nghĩ làm sao để vượt qua một ngày trước mắt, nghĩ về miếng cá thu rắn chiên sẽ ăn khi được tự do, đều nghĩ về ngày trở về làng quê mình.
Sau cùng vẫn là sự khẳng định giá trị của tình yêu, của tính người
“Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” còn vang vọng những suy tưởng của Dorrigo về câu chuyện tình yêu day dứt, ám ảnh với Amy – người vợ trẻ của dượng mình. Nhưng chính những ký ức ngắn ngủi về Amy, về đóa hoa trà đỏ trên tai cô trong lần thấy nhau đầu tiên, về đôi mắt xanh màu lửa ga của cô, về mối tình khắc cốt ghi tâm mà bất khả ấy đã cứu rỗi Dorrigo khỏi những ngày tháng khốc liệt và tuyệt vọng ở trại tù binh Nhật Bản.
Tình yêu trong cuốn sách còn là tình yêu của Ella – vợ của Dorrigo dành cho chồng, “một cuộc dị mộng nhưng vẫn đồng sàng, một cuộc hôn nhân – sự dài mãi không cùng lạ lùng và kinh khủng của con người.” Nhưng hơn hết, đó là “một gia đình” cùng trải qua những “thương mến, ốm đau, bị kịch, đùa cợt và lao động”.
Xuyên suốt tác phẩm, giữa cuộc chiến, sau cuộc chiến; trong nghĩ suy của tù binh, của cai tù, của cựu binh; của kẻ yêu mê đắm, của kẻ ngoại tình; có một điều luôn hiển hiện, đó là tính người, tính thiện. Tính người, tính thiện ấy có trong bất kỳ ai; bởi thế, trong tiếng nói của bất cứ nhân vật nào của Richard Flanagan trong tác phẩm này, đều là suy tưởng mà không phán xét.
Và xuyên suốt tác phẩm, dù chết chóc đau đớn tràn lấp; mở đầu và kết thúc là ánh nắng dịu dàng và bông hoa trà đỏ rực rỡ. Mở đầu bằng tình yêu, kết thúc bằng tình yêu; dẫu cuộc đời là “một hư vô được khoanh giữ, một bí ẩn không điểm kết” như bài thơ là duy nhất cái vòng tròn mà nhà thơ haiku thế kỷ 18 Shisui viết trên giường chết.
Phan Xâm.
Bài được lược đăng tại HNM Cuối tuần – Số 4 [25/01/2024]