Một sáng bước ra cửa nghe người hàng xóm nói, “Ôi mưa phùn”. Người đi cùng đáp, “Ừ, mùa xuân mà.” Ừ, thế là mùa xuân. Là mùa xuân.
Mùa xuân mặc áo len và áo khoác mỏng. Cái lạnh không còn giá buốt. Nhưng mà, thời tiết bây giờ, mùa xuân chỉ là khúc đoản ca giữa mùa đông. Một mùa đông lạnh sâu và dài.
Mùa xuân đọc “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera. Ông viết và mình cứ nhớ, cứ nhớ, cứ nhớ câu rằng: “trong mọi sự đối kháng thì sự đối kháng giữa nặng/nhẹ là điều bí ẩn, mịt mờ nhất.” Bởi thế, “nhẹ” vẫn “khôn kham”. Nhẹ mà vô nghĩa đến khôn kham. Mình hiểu khi đặt trong một số cảnh huống của bản thân.
“Lòng trắc ẩn”, Kundera viết rằng “không gì nặng hơn lòng trắc ẩn. Ngay nỗi đau của chính mình cũng không thể nặng bằng nỗi đau mình cảm thấy cho người khác, chịu đựng giùm người khác, một nỗi đau mà cường độ được nhân lên bởi thần trí tưởng tượng và kéo dài ra bởi cả trăm tiếng dội vọng về.”
“Ở những ngôn ngữ gốc Latinh, “lòng trắc ẩn” có nghĩa là: chúng ta không thể lạnh lùng nhìn người khác đau khổ; hoặc chúng ta cảm thương những kẻ bất hạnh. Từ khác có nghĩa gần tương tự là “thương xót” (Pháp: Pitié; Ý: pietà; vân vân), ám chỉ sự hạ cố nào đó của mình với người đang đau khổ.
“Ở những ngôn ngữ kiến tạo từ “trắc ẩn” bằng cách kết hợp từ gốc mang nghĩa “cảm xúc” chứ không phải “đau khổ” thì từ này được dùng với nghĩa gần như tương tự nhưng lại rất khó cho rằng tình cảm đó là tầm thường hay thấp kém. Sức mạnh bí mật trong ngữ nguyên soi sáng từ ngữ và cho nó một ý nghĩa rộng lớn hơn: có lòng trắc ẩn (chung một cảm xúc) nghĩa là không những có thể sống chung với nỗi bất hạnh của kẻ khác mà còn có thể cảm thấy được tất cả những cảm xúc của kẻ đó – vui sướng, lo lắng, hạnh phúc, đớn đau. Do đó lòng trắc ẩn kiểu này (với nghĩa của các từ soucit, wspólczücie, Mitgefuhl, medkäsla) bao hàm cả khả năng cực đại của trí tưởng tượng về tình yêu, nghệ thuật của thần giao cách cảm. Bởi thế, trong bậc thang tình cảm, nó ở vị thế tối cao.”
“Đời nhẹ khôn kham” mà mới nặng làm sao. Tình yêu và xác thịt. Tâm hồn và thể xác. Nặng và nhẹ. Tình yêu xác thịt. Khát khao tìm kiếm cái thú vị một phần triệu nơi mỗi người đàn bà của Tomas. Tereza khi làm tình với một gã xa lạ chẳng quan tâm gì khác ngoài thân thể mình. Franz với lòng kích động trước những “Cuộc diễu hành Vĩ Đại”. Sabina nổi loạn và suốt cuộc đời truy đuổi phản bội, phản bội cha mẹ, phản bội người tình, phản bội chính mình. Quê hương. Chính trị. Chiến tranh. Những gia đình như những chiến trận. Chiến trận nơi người ta đấu tranh để thoát khỏi, nhưng những tiếng vọng không ngừng dội về. Bằng cách này, gia đình, những gì diễn ra trong gia đình là nguyên cớ của mọi sự diễn ra sau đó. Mọi sự như ngẫu nhiên mà chẳng ngẫu nhiên. Mọi sự đối xứng giữa cách nó bắt đầu và cách nó kết thúc.
Trong “Đời nhẹ khôn kham”, tác giả có một phần về “Cuốn từ điển ngắn về những từ ngữ bị hiểu sai”. Và mình nghĩ về “cuốn từ điển” ngắn trong đời sống mình dạo gần đây. “Khát khao”, “im lặng”, “bề nổi”, “gốc rễ”, “yêu thương”. Và từ cuốn sách, mình có thêm “giấc mơ hoang muội”. Một từ hay một cụm từ trong cuốn từ điển ngắn.
“Yêu thương” là từ mình lặp lại nhiều lần. Khi viết, khi nói và trong cảm nhận. Nhưng mình thích được nhìn và cảm nhận. Nghe, nhìn và xúc động mà không nghĩ.
“Bố đây. Bố đây! Bình tĩnh nào”.
“Bố đây rồi mà. Bố đây rồi mà. Bình tĩnh nào con.”
“Bố xin lỗi con. Hôm nay bố có chút việc bận nên đến đón con muộn.”
“Bố đây. Bố đây rồi.”
Người bố nói, chỉ mình người bố nói. Nhưng đây là cuộc đối thoại. Vì cậu con anh đang nghe, đang từ từ cảm nhận là bố đang ở đây và rồi nín khóc. Đi khỏi cửa lớp mấy mét thôi, cậu bé cười khanh khách khi được bố ôm ngang bụng và trêu đùa. Mình cứ nhớ, cứ nhớ, cứ nhớ khung cảnh và những âm thanh từ lời nói và tiếng khóc ấy qua khe cửa từ phòng ngồi làm việc ở trường trong một chiều mùa đông.
Bỗng nhiên mình nghĩ, yêu thương có mang lại cho ta tự do không? Yêu thương mang lại tự do chứ? Yêu thương mang lại tự do. “Es muss sein!” (“Phải vậy thôi!” trong tiếng Đức – một “mô típ” gắn liền với Tomas mà Milan Kundera viết nhiều trong “Đời nhẹ khôn kham”). A, điều này đang được khơi mở. Lựa chọn một trái tim tự do như cô gà mái trong “Cô gà mái xổng chuồng”, là khát khao được ấp trứng, là yêu thương đứa con có ngoại hình khác biệt mình.
Một ngày mùa xuân nọ viết.
Em quay người đi xa thật xa, vẫn còn nhìn rõ dáng họ cùng góc nghiêng khuôn mặt. Có lẽ là một lần trong đời. Một lần trong hàng vạn cái một-lần trong đời. Em biết, ngày mai thôi, nhớ về cái ngoảnh mặt bước đi ấy, điều em thấy chỉ là dáng mình, còn họ đã biến mất.
Hôm nay em nghe những câu từ thế này “gió thổi đầy sân” (trong podcast cuốn tản văn của nhà văn Khải Đơn) hay đồ phơi trong nắng có mùi thơm thật thơm, thứ mùi thơm của nắng thấm vào từng thớ vải.
Em nhớ về kỷ niệm cũ, những bông hồng màu cam. Nó đại diện cho điều gì cơ. Một chút trìu mến cho buổi gặp gỡ đầu, để rồi không kịp hiểu vài điều thế là cách xa.
Một vài từ không kịp hiểu. “Những từ ngữ bị hiểu sai”. Quả là có những từ ngữ bị hiểu sai, dẫn đến hiểu sai về thái độ hay cảm quan. Trong suốt cuộc đời một người, có không biết bao nhiêu từ ngữ bị hiểu sai.