Tháng ba vẫn là hoa sưa trắng, là hoa ban hồng phớt. Tháng ba cũng là cây lộc vừng mùa rụng lá, là những chòm lá bàng còn lại đỏ ối trên cành khô bên cạnh là những chồi non đang nhú cho mùa xuân, cho mùa hè, cho mùa thu và rồi một lần nữa quay về cho chính mình của mùa đông trơ trụi.
Sống ở đây, giữa phố, đi qua bao mùa tôi thấy mình có thể yêu mọi mùa của phố. Những đêm ngày xuân, hạ, thu, đông. Có lúc buồn, khi vui. Nhưng tôi luôn tự nhủ rằng không cần phải trốn tránh nỗi buồn và cũng cần nhìn thật chậm vào niềm vui. Con người ta sinh ra là bắt đầu một hành trình nhận thức thế giới, học cách nhận biết cảm xúc và thể hiện cảm xúc. Thế thì, buồn vui là chuyện tự nhiên trong đời, khi ta sinh ra là con người mà thôi.
Một đêm tháng ba mùa xuân tôi đi bộ trên lối quen và nghe podcast một bài giảng của Thầy Minh Niệm, thầy nói rằng, đời là bể khổ nhưng không phải là bể khổ có sẵn mà do con người tạo ra. Đức phật nói rằng “Vạn pháp duy tâm tạo”, cái tâm ta ra sao ta nhìn thế giới như thế. Và tại sao ta lại phụ thuộc hạnh phúc của mình vào một con người vô thường khác. Hãy quay về nương tựa chính mình.
Thực ra, nhiều người chúng ta hẳn hiểu điều đó. Nhưng Đức phật chỉ có một mà con người u minh là khắp nhân loại này. Bởi thế, không phải ai cũng nhận ra, để hạnh phúc, để bình an và bình an cho cả những người yêu thương bên cạnh mình là “quay về nương tựa chính mình”.
Mùa xuân, tôi đọc “Sách cười và lãng quên” của tác gia Milan Kundera. Có một mệnh đề rằng, thiên thần và ác quỷ cùng tồn tại và quyền lực ngang nhau. Nếu có quá nhiều điều thiện hiển nhiên thì con người không thể sống vì sức nặng của nó và nếu ác quỷ mạnh hơn thì tất nhiên ta cũng không thể sống được. Trong phạm vi nhận thức của bản thân, đặt trong một tình huống nhỏ bé của bản thân, tôi thấy mình cảm nhận được điều này. Dẫu vậy, nghĩ thêm thì thấy một sức nặng đè lên tâm trí mình. Tôi ngồi đây, bên khung cửa một quán cà phê nhìn ra con ngõ nhỏ, thấy mình chỉ là một hạt bụi nhỏ bé, bất lực, không có đôi mắt để nhìn và không đủ sức để hiểu thêm.
Mùa xuân, tôi đợi hàng tầm xuân ở quê nở và bố tôi sẽ chụp ảnh gửi cho. Bây giờ tôi đang nghĩ, từ khi tôi bắt đầu đào một hố đất nhỏ cạnh bờ sân và đặt xuống một cành hoa hồng đỏ, cây hồng nở hoa và rồi tôi mang về cho bố tôi những mầm cây khác; đã có thêm một điều níu tôi lại với nhà, tôi có thêm những cuộc trò chuyện khác với bố khi xa nhà, khi về nhà và đời sống của bố tôi có thêm phần sự-sống-của-cây, có thêm phần cây-nở-hoa. Bởi thế, dường như càng nhiều tuổi người ta càng cảm thấy yêu những cái cây, những bông hoa hơn và thấy chúng kỳ diệu.
Tôi ngồi đây, giữa chút nắng sớm mùa xuân tràn qua kẽ lá rơi xuống tóc, xuống má, xuống tay. Có một điều khó chịu trong công việc, nhưng một mình, tôi thấy mình có đủ không gian để nhìn vào nó, để gạt đi cái phản ứng tự-động-cau-có khi có gì bất như ý diễn đến.
Hình ảnh một người con gái tôi theo dõi trên facebook gần đây xuất hiện trong tưởng tượng của tôi sau khi tôi đọc một số bài tản văn của chị. Tôi tưởng tượng mình đang ở mùa xuân, mùa thu hay mùa hè đó của chị; tôi tưởng tượng mình đủ tự tin, đủ giỏi giang để bước đi trên một con đường mới, con đường có những loài hoa mà ở đây tôi không chạm được vào nó từ sự sống vươn lên từ đất. Tôi tưởng tượng thứ cô đơn phiêu du khác ở phố xá này, thứ cô đơn phiêu du hoàn toàn xa lạ. Con người phức tạp là vậy, đi xa muốn trở về, ở mãi một nơi lại thèm đi xa hay thèm bỏ đi xa.
Cũng có đêm mùa xuân, tôi ngôi trên gác tầng hai nhìn cái cây ngoằn ngoèo những cành khô và hút một điếu thuốc. Tôi lại nghĩ về cái vòng tay màu xanh lá cây trên cổ tay bé xíu của mình và nỗi buồn vương trên đó. Tôi đã tổn thương. Tôi cứ nghĩ về tổn thương ấy và loay hoay tìm cách hóa giải. Có lúc tôi đã quay người bỏ đi, bởi vì nghĩ rút cuộc mình có cần phải tổn thương đến vậy không. Nhưng tôi chưa từng thoát ra khỏi nó, bởi bằng cách nào đó, bao nhiêu năm qua tôi đã đối đãi với mình bằng một trái tim được mài bọc kỳ công. Trong khi thế giới này đầy xứt mẻ và luôn tồn tại nguyên nhân gây xứt mẻ.
Nhưng tôi biết ơn cuộc đời, bởi bên cạnh những tổn thương không tuyên bố được thành lời ấy, tôi còn trái tim yêu cuộc đời, yêu mọi người, còn trái tim nhìn thấy những đẹp đẽ nhỏ bé cả lớn lao trong đời.
Tôi đôi khi cũng thèm nói một tiếng yêu người, cũng muốn mong ở trong một tình yêu với ai với ai, để thấy mình rõ hơn và điều quan trọng là ai cũng cần tình yêu.
Mùa xuân, con mèo lười rụi đầu vào ngực tôi và ngủ. Nếu yêu, cứ yêu như loài mèo, cứ im lặng mà tiến lại, mà rụi đầu, mà nằm im thin thít và yêu.
Tháng ba đã ở đây, liệu mùa hè có đến vào tháng tư? Một tháng tư mùa hè nhiều kỷ niệm. Tôi lại nhớ cuốn sách “Ali và Nino” đọc trong những ngày tháng hai. Cuốn sách làm tôi nhớ mùa hè“L’amour” của mình hai năm trước. Mùa hè ấy tôi đã yêu rất nhiều, và cũng chẳng yêu ai.
Ali nói với Nino khi nàng rời quê nhà Baku (mà không biết rằng đó là ly biệt) rằng, nếu anh ở Châu Âu, anh sẽ buồn và trống rỗng như chính em khi ở hậu cung Ba Tư. Anh thuộc về Châu Á, Phương Đông, tường thành cổ và những thánh đường. Nhưng chúng ra sẽ đến Paris du lịch, chúng ta có cả một mùa hè dài ở đó.
Và mùa hè dài ấy đã không diễn ra. Sẽ chỉ có mùa hè dài hay những mùa hè dài của Nino ở Paris mà thôi.
Tôi vẫn còn nghe mãi những bài hát của mùa hè L’amour của mình, trong đó có “Summer is for falling in love”. Đang mùa xuân và mùa hè sẽ đến, mùa hè phải lòng ai, mùa hè để yêu ai.
Hà Nội, tháng ba mùa xuân 2024.