Một chiều tháng Tám mùa thu năm trước, trên đường đi làm về thì trời mưa lớn. Tôi ghé Hiệu sách quen ở phố Tô Hiệu trú mưa và ngồi đọc thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Đọc về nỗi nhớ, đọc về đời sống giản dị, những nhỏ nhặt lẫn những lý tưởng lớn lao trong thơ của hai tác giả. Thế là khóc, khóc rất nhiều. Chẳng hiểu sao. Có thể là vì nghĩ nhiều về nỗi nhớ, nghĩ về những cách mà người ta yêu.
Chiều mùa hè này đây, tôi lên hai chặng xe bus rồi đi bộ trong lòng phố xá cuối tuần để đến Nhà hát Kịch Việt Nam với lịch hẹn xem vở diễn “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt”. Hiểu biết về sân khấu kịch chẳng có, nhưng có lần được đi xem thoại kịch ở sân khấu Hoàng Thái Thanh trong Sài Gòn khiến tôi thích lắm. Vở kịch “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt” phiên bản 2024 do đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng và chị Nguyễn Hoàng Điệp giữ vai trò Nhà sản xuất.
Và tôi thực sự yêu vở kịch phiên bản hiện đại này. Âm nhạc với tiếng đệm guitar xuyên suốt vở kịch là một trong những điều mới lạ khiến tôi rất rất thích và thỏa mãn. Không gian sân khấu tĩnh lặng cho ta sự chú tâm và hồi hộp nhìn từng chi tiết, quan sát từng cử chỉ, biểu cảm trên gương mặt nhân vật, nghe từng lời thoại của nhân vật.
Hồn Trương Ba nói trong vở kịch rằng “cuộc đời ghê gớm mà thú vị”. Quả là như vậy, mấy ai không trải qua khổ đau, không chứng kiến những dối trá, không nhìn thấy đó những lọc lừa mà phải ngoảnh mặt làm ngơ, không từng hoài nghi chính mình và người khác, không từng lạc lối và loay hoay với bản ngã; không nhiều lần thì cũng đôi lần trong đời như thế. Nhưng như Lưu Quang Vũ viết trong thơ:
“Như ngôi sao trên cột buồm trơ trọi
Anh nhìn vào bóng tối
Con tàu đêm nay đi về đâu
Nhớ đôi môi xót đau
Nhớ bàn tay đắm đuối
Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi
Về cuộc đời ghê gớm ta yêu.”
“Cuộc đời ghê gớm ta yêu”. Cuộc đời ghê gớm là vậy nhưng lý thú, cuộc đời tuy ghê gớm mà ta yêu lắm. Yêu vì được sống, yêu vì có người thân yêu bên ta, yêu vì có bè bạn, yêu vì được nhìn mọi người, được nhìn thế giới.
Các nghệ sĩ của vở kịch Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt 2024 thật sự rất xuất sắc; từ tuyến nhân vật chính đến tuyến nhân vật phụ, từ những diễn viên có tuổi nghề đến những diễn viên trẻ. Có những nghệ sỹ diễn hai vai mà vai nào cũng biểu đạt tốt. Mỗi vai diễn đều khiến tôi cảm nhận được nỗi đau của nhân vật, vấn đề của nhân vật hay (chỉ dám nhận phần nào) ý đồ của đạo diễn.
Có khán giả thắc mắc về vai trò của nhân vật tay sai hay tiếng kêu “gâu gâu” của nhân vật “người con trai” và của nhân vật tay sai. Nhìn rộng ra ở khía cạnh phản ánh bối cảnh xã hội, hiện thực đời sống sẽ thấy được vai trò của nhân vật này. Một cộng động xã hội dù thu nhỏ đến mức độ làng xã cũng luôn được “cấu tạo” bởi nhiều nhiều thành phần. Có “người có quyền có chức” mà không có kẻ dưới như “tay sai” thì không tạo thành một chỉnh thể hiện thực. Còn tiếng sủa “gâu gâu” là hiện thân của nỗi đau, của bất lực, của cam chịu, của số phận và hơn hết, có lẽ đó hiện thân của sự lựa chọn cách sống.
Xem xong “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt” tôi nghĩ đến các cuốn sách đã đọc của Milan Kundera – “Đời nhẹ khôn kham”, “Sách cười và lãng quên” hay “Vụ án”, “Hóa thân” của Franz Kafka. Nghĩ rằng, bằng những cách diễn đạt khác nhau – ẩn dụ hay gửi gắm qua lý tưởng, bằng những loại hình văn học nghệ thuật khác nhau và bản chất tư duy phương Đông hay Phương Tây; những nhà văn, nhà thơ lớn đều hướng đến (nói về) bản chất con người, bản chất đời sống, những khát khao sâu thẳm bên trong con người.
Quay lại với một điều vui nho nhỏ khi xem vở kịch “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt”, là người nghệ sỹ đệm đàn guitar đã hòa mình vào vở kịch – trong vai trò của người nghệ sỹ lẫn khán giả. Tôi thấy người nghệ sỹ đệm đàn cười rất vui rất sáng khi vở kịch đến đoạn kịch có yếu tố hài hước.
Cuộc sống này thật đa dạng, thật phong phú, thật nhiều mùi vị làm sao. Có biết bao trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực mà khi con người ta bước vào, cảm thấy được an ủi, cảm thấy một điều hay đôi điều sâu bên trong mình được thỏa mãn. Sau bao nhiêu trăn trở, cuộc đời vẫn luôn có thứ mùi ngọt ngọt tỏa ra trong không khí sau cơn mưa chiều, có hương thơm từ bình hoa hồng nhỏ trong căn phòng kín.
Hà Nội mùa hè, một đêm tháng Bảy.