có những nhịp rơi trong tháng ngày tôi đang sống đây, giữa phố xá, giữa những cây, những con đường, những cửa hiệu tôi yêu.
đó là một chiều mùa hè nóng sực (tôi muốn nói về cái nóng nực với ý của một câu văn trong “Hiệu sách nhỏ ở Paris” của tác giả Nina Georg – không khí sực nóng như một tách trà tràn đầy). một chiều mùa hè nóng sực, trái tim tôi rơi “phịch” khi bỗng dưng gặp người mà tôi muốn gặp – đột ngột hồi hộp, cuống quýt, chút vui sướng thầm mà lại cũng buồn làm sao. tôi đã muốn đi đến trước mặt họ. luôn là thế, trước mặt họ thôi. nhưng khi bất ngờ thấy nhau vào trước thời gian đã định, trái tim bỗng sững lại – hồi hộp, lo sợ, như rằng chỉ cần thấy họ sẽ phát hiện rằng mình đang bận lòng về họ. thế rồi chẳng dám lại gần, chẳng dám nhìn thẳng một lần. tôi hiểu rằng, chuyện nào rồi cũng qua đi. tôi nói với mình rằng, thôi nào em ơi, mình đừng cố công, nhọc lòng vì những chuyện nọ xa xôi.
gần đây, trong một bộ phim tôi xem, có người nam nói với người nữ rằng, “nếu có thể thay đổi thứ tự thời gian chúng ta gặp nhau, anh nhất định sẽ yêu em hết mình, chỉ tiếc là lúc ta gặp nhau, anh không còn đủ khả năng và dũng khí theo đuổi tình yêu nữa rồi.”. thực ra, đã chưa từng tồn tại một tình yêu nào ở đây, giữa mùa hè nóng nực này, nhưng tôi biết với họ, mình thực sự không đủ “khả năng và dũng khí”, cũng không “đủ” thời điểm để làm điều gì đó cho sống dậy cái khao khát yêu đương chiếm hữu thẳm sâu. tôi biết rằng, mình sống trong một thế giới khác họ.
mùa hè sực nóng này rồi cũng sẽ đến lúc nhường chỗ cho cái se sẽ lạnh mùa thu. trái tim tôi rồi cũng dịu lại, những khổ sở trong lòng nhất định đã nguôi đi. thì xin lại được thấy người, xin lại được thấy nhau, đứng trong một hiệu sách, trước cửa quán cà phê, trên lối đi ở ngã tư hay bên trong một sân khấu nhà hát. Khi ấy, hẳn mùa thu đã tới rồi.
2.
tôi lật lại những dòng tin nhắn cũ từ 4 năm trước, với một người, mà thực lòng tôi không nhớ nổi tên họ, tên tài khoản mạng xã hội không phải một cái tên (thật). chỉ là, đôi cuộc trò chuyện nhỏ đời thường. “hôm nay bạn thế nào?” mà những câu trả lời luôn là, “mình ước mình có thời gian để ngủ”, “vừa học vừa làm khiến mình không có thời gian để đi đâu đó”. tôi thấy mình đã trả lời rằng, “mình vừa lên núi với bạn, núi bao giờ cũng mang đến những giây phút bình yên.” khi đó tôi 25 tuổi. wow. cái tuổi mà tôi ao ước bây giờ mình đang là. nhưng bây giờ nhìn lại, dù ai đó ta từng gặp, ta sẽ muốn nói rằng “you taught me something new”.
3.
những khi thấy mình trống rỗng, tôi thường đi bộ và tôi nghe, tôi xem các sự kiện văn chương, điện ảnh. tôi không hiểu biết sâu xa gì về những lĩnh vực ấy. nhưng tôi đã luôn nương theo chúng để thấy yêu đời sống này hơn.
một chiều mùa hè cuối tháng 7, tôi xem phim tài liệu về điện ảnh thuộc dự án ĐIỆN ẢNH LÀ DI SẢN, rồi sao? – “Film, the living record of (y)our memory của Ơ kìa Hà Nội. Tôi thấy thế giới này thật rộng lớn, thế giới này sâu hun hút về phía sau và ở cả tương lai phía trước. Có bao nhiêu điều ngồn ngộn trong quá khứ, phía sau những bộ phim ta được xem. Ta đã xem nào Casablanca, Gone With The Wind, Out of Africa… nhưng khi xem không nghĩ được chúng được làm nên như thế nào.
Châu Phi tôi nghĩ về luôn chỉ là cuốn sách “Out of Africa” – “Châu Phi nghìn trùng” (NXB Phụ Nữ), là bộ phim “The Gods Must Be Crazy” – “Đến thượng đế cũng phải cười”. Khi xem câu chuyện về việc bảo tồn film ở Châu Phi tôi thực đã thấy lạ lẫm và cả xúc động, ở châu lục xa xôi ấy, tồn tại những di sản và được tìm cách bảo tồn, dẫu rằng bị lãng quên.
Tôi nhớ có một câu trong bộ phim tài liệu thế này, “những bộ phim như những cỗ máy sản sinh ra sự đồng cảm”. Quả vậy, chẳng thế mà ta khóc, cười theo phim. Và có một câu đại ý thế này, sự đọc khác với sự nhìn, sự nhìn cho ta xác nhận sự thật.
Với tôi, việc đọc dường như mang tính cá nhân, riêng tư hơn việc xem. Bởi khi đọc, thường ta sẽ một mình hoàn toàn; còn khi xem, tất nhiên có thể xem một mình nhưng rõ ràng ta vẫn thường ngồi cùng những người có chung sở thích hay ngồi bên người thân, bạn bè. Ta khóc, ta cười khi xem một vở kịch, một bộ phim điện ảnh, một bộ phim tài liệu; người bên cạnh cùng xem có thể cũng biểu hiện cảm xúc như ta. Có thể, ý nghĩa của sự đồng cảm từ những bộ phim bao hàm cả điều này, khi xem, ta không chỉ đồng cảm với nhân vật, ta còn chung sự đồng cảm với người đang cùng thưởng thức.
Và điện ảnh là di sản, bởi điện ảnh không chỉ phản ánh văn hóa, điên ảnh phản ánh lịch sử, điện ảnh là lịch sử, điện ảnh vận hành song song với những gì diễn ra trong thế giới này.
Thật cảm ơn chị Nguyễn Hoàng Điệp, Ơ Kìa Hà Nội và cả biết bao người tâm huyết với nghệ thuật, với những giá trị di sản cần được khơi dậy và bảo tồn. Như vậy tôi mới có cơ hội được nhìn thấy thêm một điều nhỏ bé mà tuyệt vời đang tồn tại và vận hành trong thế giới này.
4.
Khi nghĩ về câu hỏi, tại sao văn học Việt dịch ra tiếng nước ngoài, đưa ra thị trường thế giới lại ở trong tình trạng thảm hại đến thế, lại không được đón nhận, hay câu hỏi “Local hay global? Bao giờ văn học Việt được Nobel” của sự kiện cùng tên tôi được đến nghe; tôi lại nghĩ đến câu nói của cô Bùi Trân Phượng trong một tập podcast của kênh Ba Chấm, rằng, từ “bình đẳng” du nhập từ phương Tây vào Việt Nam, nhưng từ xa xưa chúng ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, đây không phải là bình đẳng thì là gì.
Chúng ta tiếp nhận những tiên tiến của phương Tây ở nhiều lĩnh vực, bởi họ cách ta nhiều nhiều năm phát triển. Còn chúng ta, để được biết đến, được đón nhận, hẳn nhiên phải chọn ra và đào sâu những gì đặc sắc bằng hình thức, kết cấu truyền tải sáng tạo thu hút.
Hà Nội, mùa hè 2024