Một chiều tối tháng 8, tôi đến nghe sự kiện “Thế giới tươi đẹp, người ở đâu?” – Cái đẹp có cứu rỗi được thế giới? – bài giảng của Giáo sư ngành Lý thuyết chính trị – Lea Ypi. Sự kiện do Zzz Review và Viện Goethe tổ chức. Đến sát giờ, không còn chỗ ngồi, tôi đã đứng suốt 2 tiếng đồng hồ và rồi đi thêm 1 km để tìm đến bến xe buýt sau khi sự kiện kết thúc. Tôi ước mình có thể nghe hiểu tiếng Anh. Nhưng may sao có dịch trực tiếp – thật là biết ơn ban tổ chức.
Nhìn chung, tôi đi nghe với tinh thần mong muốn được nghe người có chuyên môn, trải nghiệm nói văn chương. Gần đây, mỗi lần đi đến những sự kiện như vậy, tôi thường tự đấu tranh. “Có vẻ mình đang không thực tế nhỉ? Mình có đang dành thời gian cho những gì không thực sự gắn liền với nhu cầu cấp thiết – làm việc để kiếm tiền của mình không?” “Mình rõ là chẳng có kiến thức bài bản gì về những điều này – phim ảnh, văn học, sân khấu, nghệ thuật… Vậy mình tiếp thu được gì, mình học được gì và để làm gì?”
Đôi khi tôi còn có cảm giác lén lút và xấu hổ, rằng tôi đang bị ai đó nhìn vào bên trong và thấy những gì tôi biết là những mảnh nhỏ rời rạc mà thôi. Nhưng rồi tôi nghĩ rằng, việc mình biết mình dốt là điều quan trọng nhất.
Chủ đề chính của bài giảng là những điều liên quan đến viết hồi ký, những suy tư về triết học và lịch sử trong sáng tạo nghệ thuật và qua tác phẩm văn chương nói riêng.
Trong rất nhiều điều, tôi nghe ra 3 ý dưới đây mà thấy rằng, nó vốn không chỉ trong văn học, không chỉ với nghệ thuật; mà rõ ràng nó gắn liền với cuộc sống.
1/ Để hòa giải hiện tại và quá khứ, cần nhìn nhận hiện tại, soi chiếu quá khứ nhưng không thể thiếu việc tưởng tượng tương lai.
2/ Trưởng thành nội sinh: Cái cốt lõi của khai sáng không chịu tác động từ tác nhân bên ngoài, nghĩa là hành trình khai sáng của một người chủ yếu là tự thân, là quá trình trưởng thành tự sâu bên trong.
3/ Việc lý giải một sự kiện lịch sử không tránh khỏi sự ảnh hưởng của một hệ tư tưởng. Vì thế, đại ý rằng, ta không đúc kết nên những bài học từ sự kiện lịch sử.
4/ Và đến bây giờ, tôi lờ mờ và trong một phạm vi nhỏ bé nhận thấy được, triết học là ngọn nguồn hầu hết mọi điều. Là nhân sinh, là đời sống, là chính bản thân con người, là thứ có thể giải thích được con người dẫu không có gì là tuyệt đối. Như một ý tôi gạch ra trong khi đọc cuốn “Đạo của Vật lý” (Fritjof Capra) rằng, hóa ra tính cá nhân của xã hội, của con người phương Tây là có nguồn gốc từ tư tưởng Triết học ảnh hưởng nên?!
Và rút cuộc, cái đẹp có cứu rỗi được thế giới không? Tôi tin là có. Tôi tin cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới. Và nhân đọc cuốn “Thế giới tươi đẹp, người ở đâu” của nữ nhà văn Ireland, Sally Rooney, có đoạn về sự tồn tại của cái đẹp thế này:
“Tớ đưa ra một giả thuyết thế này: bản năng về cái đẹp vẫn tồn tại, ít nhất là ở Rome. Tất nhiên, ta có thể đến thăm Bảo tàng Vantican, chiêm ngưỡng bức tượng điêu khắc Laocoon, đến nhà thờ và bỏ đồng xu để xem bức Caravaggio, chưa kể tại Bảo tàng Galleria Borghese còn có tượng Proserpina của Bernini. Felix, người theo chủ nghĩa duy cảm bẩm sinh, tuyên bố mình là người hâm mộ cuồng nhiệt. Nhưng có những thứ nhỏ nhặt hơn như mùi hương của cây cam, những ly cà phê trắng nhỏ, những buổi chiều xanh trong, những hoàng hôn vàng ruộm…”
Với tôi, những hoàng hôn vàng ruộm, những buổi chiều xanh trong, mùi hương cam hay vị đắng của ly cà phê… đã là sự tồn tại của cái đẹp. Nó cứu rỗi tôi lắm khi, và cứu rỗi những ai những ai nữa… Vậy hẳn là đã có thể cứu rỗi thế giới này – khỏi những xoay vần chóng mặt từ những khái niệm đến cách mà mọi chuyện ngày nay diễn ra…
Hà Nội, mùa hè tháng 8/2024.