Tôi nhận ra việc đọc khiến tôi yêu mến nhiều đất nước, nhiều thành phố. Yêu và rung động, dù tôi chưa từng được đặt chân đến.
Tôi đã luôn hình dung cảnh được đi trên con đường đầy tuyết trắng trên đất nước Ba Lan khi đọc bài thơ “Em ơi… Ba Lan…” của nhà thơ Tố Hữu hồi học Trung học. Sau này, tôi được đọc nhiều hơn, trong tôi đất nước Ba Lan là Warszawa mùa đông thật buồn khi nghĩ về những sự kiện lịch sử diễn ra nơi đây.
Một mùa đông cũ, một người bạn giới thiệu cho tôi bộ phim Ida của đạo diễn người Ba Lan Pawel Pawlikowski. Bộ phim với tông màu đen trắng, những cảnh quay đầy chất thơ và mọi chi tiết diễn ra thật chậm rãi khiến nỗi buồn cứ lún dần, lún sâu và nặng trĩu.
Điều tôi đặc biệt thích ở bộ phim và vẫn ấn tượng mãi là khung hình 4:3 trong mọi cảnh quay. Tôi đã chụp lại màn hình của nhiều khung cảnh 4:3 và lưu lại vì thích. Khung hình này như một cái nền mới mẻ, phá cách để đựng lấy, giữ lấy nỗi buồn của cảnh vật, nỗi buồn sâu thật sâu dưới lòng đất Ba Lan, sâu thật sâu dưới làn da trên gương mặt không biểu lộ điều gì của nữ tu 18 tuổi Ida. Và cái khung hình ấy thực sự hoàn hảo cho cá tính mạnh của Ida.
Sau cùng thì, hình ảnh Ba Lan, hình ảnh Warszawa dừng lại trong tôi ở cái màu đen trắng, cái khung hình 4:3 của bộ phim Ida.
Nói trước, nói sau như vậy thực ra chỉ là cái cớ của việc tự dưng tôi vô cùng muốn đọc bài thơ “Em ơi… Ba Lan…” của cụ Tố Hữu. Bài thơ thực ra cũng chẳng vui đâu, nhưng với tôi, bài thơ là một Ba Lan tươi sáng. Ít ra thì tươi sáng hơn những gì tôi giữ lại trong mình sau khi xem Ida vài năm trước.
“Em ơi… Ba Lan…
“Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn
Có phải Sô-panh tình chứa chan
Nâng đàn ca Cô gái Ba Lan
Có phải A-đam hồn vĩ đại
Bay trên đầu thế kỷ nhân gian…
Em đi cùng anh lên thành xưa
Vác-sa-va ấm nắng ban trưa
Nét vàng lịch sử vừa tươi lại
Trong cuộc hồi sinh, tạnh gió mưa
Hãy nghe em, từng viên đá lát
Những con đường, tiếng hát đau thương
Ba Lan, Ba Lan
Thịt da đã bao lần tan nát
Nước mất, tim về vọng cố hương
Hãy nghe em, từng viên ngói đỏ
Những mái nhà phố cũ hồi xuân
Máu đã quyện, em ơi, trong đó
Máu Ba Lan và máu Hồng quân!
Ôi máu đọng mười lăm năm trước
Bốn triệu hồn kêu Nước trong đêm
Em ơi em, làm sao quên được
Ốt-sơ-ven-xim, Ốt-sơ-ven-xim!
Nhớ nghe em, những đôi giày nhỏ
Tưởng còn đi chập chững chân son
Những mái tóc vàng tơ đóng bó
Dệt thành chăn rợn bóng oan hồn!
Anh đã đến quê em Cra-cốp
Như quê anh, lộng lẫy cung đền
Hồng quân cứu Va-ven xinh đẹp
Như Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên.
Anh đã đến quê em Ban-tích
Sóng ngời xanh, ngọc bích biển khơi
Đã xoá sạch những ngày Đăng-dích
Màu Ba Lan trong trắng đỏ tươi
Khắp quê em, mùa xuân đến rồi
– Dù đêm qua chút tuyết còn rơi –
Hỡi người chị bên đường quét tuyết
Xuân đến rồi, nắng đỏ trên môi.
Nắng trên cao cần trục xây nhà
Nắng lưng tàu phấp phới đi xa
Nắng đỏ ngực anh, người thuỷ thủ
Đẹp như lò Nô-va Hu-ta
Khắp quê em, mùa xuân mang tên
Những người con đẹp của trăm miền
Hôm nay gọi nhau về Đại hội
Mở thêm đường, đi lên, đi lên
Mùa xuân đó, quê em ấm áp
Chân người đi, vào cuộc đời chung
Ngựa đang kéo đồng lên hợp tác
Đường ta đi tấp nập vô cùng!
Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng đàn xuân ấy
Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan…
Tháng 4-1959”
—
*Bài thơ được dẫn từ trang Thivien.net với các chú thích:
- Sô-panh: Frederic Chopin, nhạc sĩ thiên tài người Ba Lan.
- Cô gái Ba Lan: Một bản nhạc nổi tiếng của Chopin.
- A-đam: Adam Mickiewicz, nhà thơ vĩ đại nhất Ba Lan.
- Bay trên đầu thế kỷ nhân gian…: Ý một câu thơ của Adam Mickiewicz: “Tôi vươn lên, bay lên, trên đầu thời đại, trên loài người…”
- Nước mất, tim về vọng cố hương: Nhạc sĩ Chopin mất ở Pháp, trái tim của ông được đưa về Ba Lan, đặt trong một nhà thờ. Khi quân phát-xít Đức đánh đến, nhân dân đã đem giấu trái tim ấy, đợi đến ngày Ba Lan được giải phóng mới đem trái tim về lại nhà thờ.
- Ốt-sơ-ven-xim: Oswiecim, tức Auschwitz, một trong những nơi có trại tập trung của Đức quốc xã, đã giết bốn triệu người cả trẻ em và phụ nữ của 28 nước.
- Cra-cốp: Kraków, thành phố lớn miền nam, kinh đô xưa của Ba Lan, có cung Va-ven rất đẹp đã được Hồng quân Liên Xô cứu khỏi sự phá hoại của phát-xít Đức.
- Đăng-dích: Hải cảng Gơ-đanh (Gdansk), hải cảng của Ba Lan ở trên biển Baltic, được gọi là “hòn ngọc của biển Baltic”, trước kia bị người Đức khống chế và đặt tên là Đăng-dích (Danzig).
- Nô-va Hu-ta: Nova Huta, tên một nhà máy gang thép lớn mang tên Lê-nin, do Liên Xô xây dựng giúp Ba Lan.
- Đại hội: Đại hội lần thứ 3 của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan (10-3-1959).
Hà Nội, tháng 9/2024.