Vốn là người luôn kiếm tìm niềm yêu mến dành cho những vùng đất mới, khi đọc “Hẹn hò với Châu Âu”, tôi tìm thấy sự đồng cảm và trân quý những trang viết như nói hộ lòng mình của Bùi Mai Hương.
Nếu hình dung thường thấy về các cuốn sách du ký là một bản rock sôi động về những hành trình của người viết thì “Hẹn hò với Châu Âu” có khi như tiếng Piano dịu dàng, lúc réo rắt như violon, khi lại nghe ra một bản guitar hoài cổ. Liên tưởng như vậy để thấy, những cuộc đi không đơn thuần là để thăm thú mà để trải nghiệm tất cả những cung bậc cảm xúc khi đặt chân đến một miền đất mới, hành trình vì thế trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
Cuốn sách hiện thực những giấc mơ tuổi trẻ – Châu Âu
Châu Âu là giấc mơ tuổi trẻ của nhiều người với Venice, Vinena, Paris, London hay Rome,…Với Bùi Mai Hương cũng vậy, nhưng tác giả còn lưu lại dấu chân ở nhiều thành phố khác: Ba Lan mùa tuyết chưa tan, mùa hè lạnh ở Phần Lan, những thành phố cổ kính ở Hy Lạp hay Liechtenstein – một đất nước nhỏ bé ở thượng lưu sông Rhine thuộc dãy Alps với chiều dài chỉ khoảng 24 km từ Nam tới Bắc.
Và Châu Âu cũng là giấc mơ của tôi, nhưng thực tế có có lẽ vì sự hèn nhát khiến tôi lỡ hẹn với ước mơ của mình. Vì vậy, “Hẹn hò của Châu Âu” là niềm an ủi, là món quà từ Châu Âu tôi cho là gửi cho riêng mình, giúp tôi phần nào thỏa mãn ước nguyện được hòa mình vào Châu Âu giữa mùa đông lạnh bên những ngôi nhà cổ và tách cà phê ấm nóng.
Châu Âu là lịch sử, là văn hóa và là tình yêu
Một điều khiến tôi say mê cuốn sách từ những trang đầu tiên cho đến khi tiếc nuối lật dở trang cuối cùng, là mỗi chuyến ghé thăm của tác giả đều là những trang viết đan xen giữa lịch sử, văn hóa và những cảm nhận mê đắm, đáng yêu.
Mặc dù tên sách là “Hẹn hò với châu Âu”, nhưng Cairo huyền thoại là điểm đến mở đầu tác giả viết trong cuốn sách của mình. Đến với Cairo, tác giả mang trong mình ba giấc mơ về thủ đô ngàn tháp của Ai Cập.
Giấc mơ đầu tiên là Kim Tự Tháp, công trình được xây dựng hàng nghìn năm về trước, “hơn hai triệu khối đá nặng cỡ tấn rưỡi được ghép thành hình khối chính xác đến chuẩn mực”. Và “các đỉnh của Kim Tự Tháp nối thẳng với những chòm sao”. Giấc mơ thứ hai là cưỡi lạc đà trên sa mạc. Giấc mơ thứ ba là “chạm tay vào làn nước biển của thủ phủ nơi có huyền thoại bất tử về Alexander Đại Đế”.
Đọc những trang sách tôi như đang đắm chìm vào những giấc mơ cùng tác giả. Nhưng rời khỏi những giấc mơ ấy, Cairo đời thường lại nhiều xúc cảm hơn bất kỳ một huyền thoại nào. Mà theo Bùi Mai Hương, đó là cảm giác vừa sợ sệt không giám lại gần, vừa tò mò muốn hòa vào dòng chảy phức tạp của cuộc sống nơi đây; là vừa giận những phiền phức từ hệ thống không ổn định của thành phố này, vừa thương cái giàu nghèo pha trộn thật thà hiển hiện khắp nơi trên đất Cairo.
Nếu Cairo trong ước muốn đặt trên đến của tác giả là những giấc mơ rõ ràng thì Instanbul – thành phố nối hai bờ Á – Âu lại hấp dẫn bởi kho tàng văn hóa đầy bí ẩn của đất nước vốn có nhiều bất ổn chính trị – Thổ Nhĩ Kỳ.
Istanbul vốn được biết đến là “chứng nhân” lịch sử của những cuộc chinh chiến từ Á sang Âu, Âu sang Á. Và Nhà thờ Xanh, Bảo tàng Ayasofia, cung điện Topkapi, Nhà thờ La Mã dưới nước, các khu chợ là những điểm đến thú vị mà qua miêu tả và cảm nhận của tác giả người đọc tưởng như chính mình đang được trải nghiệm.
Ước muốn được đến Istanbul của bạn sẽ mãnh liệt hơn bao giờ hết khi đọc những trang viết của Bùi Mai Hương về thành phố này ở đời thường với những khu chợ, những đồ ngọt và trà, những đồ trang sức tinh xảo… của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Istanbul nhìn ra biển bạn sẽ thấy từng đàn chim Hải Âu bay trên Vịnh, đằng sau là trập trùng những nếp nhà.
Cùng với Cairo hay Istanbul là những thành phố mang đến những cảm nhận trầm lắng về lịch sử thì những vùng đất khác tác giả đặt chân tới sẽ khiến bạn mê đắm về sự xinh đẹp, lãng mạn.
Dù chưa từng được đến Ba Lan, nhưng Ba Lan trong tôi xinh đẹp vô cùng với “mùa tuyết tan”, với “đường bạch dương sương trắng nắng tràn” qua bài thơ “Em ơi Ba Lan” của Tố Hữu. Thật hạnh phúc, khi qua “Hẹn hò với Châu Âu” tôi lại biết đến Ba Lan khi mùa tuyết chưa tan.
Trong lời kể của tác giả, Ba Lan là “cơn gió lành lạnh mùa xuân đến cùng nụ cười ấm áp của cô gái Ba Lan bán những bông hoa thủy tiên vàng xinh xắn”, là thủ đô Warszawa tráng lệ mà cổ kính, hiền dịu như chưa từng trải qua đau thương chiến tranh. Và Ba Lan còn có những món ăn ngon, có thứ âm nhạc làm người ta “rung động đến tâm can như hàng thế kỷ qua”, có người Ba Lan vô cùng thân thiện.
Ba Lan thường khiến nhiều người nhớ đến giấc mơ thời thơ ấu, thì nếu bạn đến với Heidelberg của Đức một lần, bạn sẽ “để quên con tim” mình ở đó. Trong lời kể của tác gả, Heidelberg là thành phố cổ với nhiều trường đại học, lâu đài cổ, với lịch sử lâu dài và đầy biến động, kinh tế phát triển và cảnh đẹp mê hồn.Những điều này, khi nghiền ngẫm thật kỹ cuốn sách bạn sẽ biết vì sao mình lại “để quên con tim ở Heidelberg”.
Và những thành phố tình yêu như Venice của Ý, Vienna của Áo hay Santorini của Hy Lạp,… dưới những cảm nhận sâu lắng, đáng yêu của tác giả sẽ làm bạn đứng ngồi không yên nhưng lại rất thỏa mãn khi những cảm xúc của tác giả giống như chính bạn đang được trải qua.
Và hành trình nhìn ngắm châu Âu của Bùi Mai Hương không chỉ mang độc giả đến với biển, với đồng bằng, sa mạc mà còn đưa độc giả dạo chơi trên những thảo nguyên xinh đẹp, những dãy núi hùng vĩ.
Đó là những thảo nguyên tuyệt đẹp của thung lũng thượng nguồn sông Rhine – đất nước Liechtensten nhỏ bé nằm giữa Áo và Thụy Sỹ. Nơi đây vào mùa đông, được phủ bằng thứ màu trắng tinh khôi lấp lánh của tuyết.
Barcelona – Không chỉ là những đại lộ
Trong giấc mơ châu Âu của tôi, không phải là London, Paris hay Venice mà Barcelona là thành phố tôi ao ước được đặt chân tới. Vì vậy, khi cuốn sách có ghi lại những trải nghiệm của tác giả tại thành phố này tôi đã nuốt trọn từng chữ.
Barcelona trong tôi qua những cuốn tiểu thuyết là đại lộ rộng lớn với nhiều hiệu sách lừng lững lâu đời. Nhưng dưới ngôn từ của Bùi Mai Hương, thành phố của Tây Ban Nha khiến tôi yêu không chỉ ở những điều đó.
Tác giả miêu tả, Barcelona là thành phố của nắng, vàng ươm và dịu ngọt, tràn vào những con phố. Mùa Giáng Sinh, thành phố biển nườm nượp khác du lịch này lại bình yên hiếm thấy. Mùa đông Barcelona, “dù cái lạnh vòi vĩnh người ta khoác lên người nào khăn nào áo, bạn vẫn có thể thong thả dạo bộ và uống cà phê sáng bên sạp báo”, “mua hoa tươi, hải sản tươi”. Barcelona kiêu hãnh còn khiến du khách mê đắm bởi những công trình kiến trúc lừng danh, bảo tàng nghệ thuật đẹp và độc đáo.
Và châu Âu, trong bất kỳ cuốn sách nào, trong cảm nhận của bất cứ ai, mùa thu vàng ở xứ này bao giờ cũng gây nhiều thương nhớ.
Khi âu Châu lục địa vào mùa thu, một màu vàng dâng lên khắp nẻo, vì thế người ta thường gọi là mùa vàng. Mùa vàng về trên rừng, mua vàng lan xuống phố và mùa vàng vào trong tim.
Tôi xin trích dưới đây, những dòng cuối của cuốn du ký này làm lời kết cho bài cảm nhận của mình về hành trình dịu dàng và đầy trắc ẩn của tác giả Bùi Mai Hương.
“Tôi giữ mãi trong tim mình hình ảnh những rừng sồi vàng ươm dưới nắng thu. Tôi ép cho riêng mình những chiếc lá phong vàng của mỗi mùa trong cuốn số nhỏ và rồi đây, khi mùa thu lại về, tôi nhắn tin cho bạn: “Năm nay, rừng thu nơi ấy đã vàng chưa?”.
Một bài viết cũ từ mùa thu tháng 9/2018.
Phan Xâm.