“Nở muộn” – Late bloomer là cuốn sách mà một người bạn đã tặng tôi 4 năm trước, khi tôi sắp rời Hà Nội để đến một thành phố mới. Khi đó, tôi mang theo hi vọng sẽ tìm thấy con đường mình mong muốn. Nhưng giờ nhìn lại, tôi chợt tự hỏi: liệu tôi đã hiểu rõ bản thân khi bắt đầu hành trình ấy chưa?
Đọc lại Late bloomer bây giờ, tôi nhận ra, 4 năm trước tôi chưa thực sự hiểu bản thân mình. Giờ đây, sự thật này như được gợi mở thêm một lần nữa. Rằng, tôi là một “late bloomer” – một bông hoa nở muộn. Có lẽ ngoài kia, cũng có biết bao người như tôi.
Và đó cũng là điều tôi đang nói với mình, điều tôi muốn chia sẻ: dù không dễ dàng, nhưng có lẽ hành trình tìm kiếm bản thân của những người nở muộn lại đáng giá hơn bao giờ hết.
Tôi đã loay hoay nhiều năm với câu hỏi về chính mình: Tôi là ai? Liệu tôi có làm được điều gì có giá trị không? Tại sao bạn bè thành công và đi được xa, còn tôi vẫn ở đây với công việc không hẳn là tệ, nhưng lại không mang đến cảm giác thỏa mãn. Dần dà, tôi nhận ra rằng, tôi là người cần thời gian để hiểu rõ mình. Và phải mất không ít năm để tôi thấy thoải mái với sự thật ấy.
Late bloomer có sức mạnh của trải nghiệm, của lòng trắc ẩn, sự bình tĩnh và những bài học mà chỉ thời gian mới mang lại. Điều này thôi thúc tôi, cho phép mình thêm thời gian để đạt đến thành công mà tôi tự định nghĩa. Thời gian trôi qua nhanh luôn khiến ta ngỡ ngàng khi nhìn lại, nhưng thời gian cũng là người bạn đồng hành giúp ta trưởng thành.
Vậy làm sao để bạn đi trên hành trình của một late bloomer?
Dưới đây là những điều tôi rút ra từ cuốn sách của tác giả Rich Karlgaard:
1. Nhận Diện Bản Thân: Hãy chấp nhận rằng ta có tiềm năng, nhưng con đường đi có thể khác biệt so với nhiều người. Late bloomer là những bông hoa nở chậm, nhưng bền bỉ và sâu sắc.
2. Tự Tin và Loại Bỏ Sự Tự Ti: Hãy tin rằng bản thân có giá trị riêng. Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực như “họ làm được còn mình thì không” – thay vào đó, xây dựng một góc nhìn tích cực và tin tưởng vào chính mình.
3. Kiên Trì Với Mục Tiêu: Những năm tháng loay hoay giúp ta hiểu rõ hơn ai hết về giá trị của sự kiên trì. Nhưng cần chọn đúng mục tiêu và cam kết với nó. Đừng kỳ vọng vào những kết quả nhanh chóng; thay vào đó, hãy tiến từng bước một với sự nhẫn nại.
4. Định Hình Tương Lai Mình Mong Muốn: Tự hỏi mình muốn trở thành ai, sống thế nào – từ cách ăn uống, phong cách sống đến những mục tiêu lớn hơn. Hãy cụ thể hóa hình ảnh về con người mà mình hướng đến.
5. Cam Kết Hành Động: “Cam kết là một trong những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến sự thay đổi.” Hãy hứa với bản thân về việc bắt đầu và kiên trì, về việc dành thời gian, không gian để thay đổi. Dù đôi khi hành trình này có thể đầy khó khăn và bất trắc, nhưng chỉ có bắt đầu thì mới có thể hoàn thành.
Vậy thì hãy bắt đầu, bất kể tuổi tác của bạn – dù 25, 30 hay 35 tuổi. Bởi lẽ, như tác giả viết, sự tò mò, lòng trắc ẩn, sự bền bỉ và trí tuệ chỉ thực sự đến cùng thời gian.
Hà Nội những ngày thu trời đẹp, nắng nhẹ, gió mát. Đứng chờ đèn đỏ, tôi nhìn xa về phía hoàng hôn rực hồng và thầm nghĩ, dù cho bản thân có chậm chạp đến đâu, miễn là quyết tâm đến cùng, chúng ta sẽ tới đích.