Một đêm mùa đông, trái tim tôi được đổ đầy bởi nhạc, vũ đạo, ca từ, ngôn từ và những ẩn dụ, hàm ý của vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo”. Tôi có thêm cảm tưởng về tình yêu. Tình yêu là gì? Tình yêu đơn giản là tình yêu thôi! Và ai cũng muốn mình được yêu thương!
“Giấc mơ Chí Phèo” là vở nhạc kịch dựa trên tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Vẫn làng Vũ Đại ấy, vẫn Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến ấy, Tự Lãng ấy. Nhưng cũng là một Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến và Tự Lãng khác. Bởi sự mô tả và diễn đạt của văn bản khác với sự mô tả, diễn đạt của âm nhạc, hình thể, âm thanh, ánh sáng sân khấu. Và có lẽ điều quan trọng nhất, đây là tác phẩm “Giấc mơ Chí Phèo” chứ không phải “Chí Phèo”.
Hai giấc mơ của Chí Phèo
Trong suốt đời mình (trong vở nhạc kịch) Chí Phèo mơ hai giấc mơ lớn. Giấc mơ đầu tiên là cái đêm sau khi ra tù, Chí uống say với bình rượu Bá Kiến đưa cho. Giấc mơ là cái bóng đen của Chí hay có thể nói là một bản thể khác ẩn trong Chí, dường như phá tung giấc mơ và đi theo Chí. Dẫu (cái bóng) Chí vùng vẫy điên cuồng, nhưng cuối cùng là trở về cái vũng lầy.
Chí hỏi cái bóng đen ấy, “Cha mày là ai, mẹ mày là ai? Mà sinh ra mày là cái vệt dài”. Cái “vệt dài” ấy có lẽ có hàm ý về sự lờ mờ Chí thấy trong giấc mơ, và cũng có hàm ý về sự vô nghĩa, không có nhân dạng của mình chăng?
Phần cuối của giấc mơ đầu tiên, mắt tôi nhòe đi khi Chí nói với cái bóng đen ấy rằng, về với cha, về với mẹ mày đi, theo tao là về với cái vũng lầy.
Giấc mơ thứ hai, là cái đêm sau khi Chí gần gũi với Thị Nở, Chí được Thị Nở chăm sóc, Chí được ăn bát cháo hành Thị Nở nấu cho. Chí mơ mình là một thanh niên như bao trai trẻ ở thôn quê, chăm chỉ làm lụng, có người vợ hiền, có mái nhà tranh, có “vườn rau non tơ”. Nhưng Bá Kiến đến, và Chí Phèo tỉnh giấc.
Chí Phèo tỉnh giấc và rất khác. Chí nói với Bá Kiến với giọng thì thầm, thủ thỉ. Rằng, tôi muốn lấy vợ cụ Bá ạ. Dường như khi con người ta có khát vọng, con người ta khao khát, thì đều muốn ai đó tán thành mình, hiểu cho mình, ủng hộ mình. Nhưng Bá Kiến nói rằng, đó chỉ là giấc mơ thôi.
Và dẫu vậy, Chí vẫn kiếm tìm, Chí vẫn níu lấy cái giấc mơ được lấy Thị Nở làm vợ. Cho đến khi bà cô của Thị Nở xuất hiện, và Thị Nở theo bà cô đi. Và cho đến cả ngủ đi tìm Bá Kiến. Đây là bước chuyển đổi lớn so với kết cục ở giấc mơ đầu tiên. Bởi vì bây giờ Chí muốn sống là người bình thường, Chí yêu Thị Nở.
Tình yêu là gì? Tình yêu đơn giản là tình yêu thôi! Và ai cũng muốn mình được yêu thương!
Dù có là một người với ngoại hình xấu “ma chê quỷ hờn”, dù có là kẻ với chi chít những vết mảnh chai trên mặt; thì họ cũng đều muốn mình được yêu, muốn mình được yêu thương.
Chí và Nở muốn được yêu. Chí và Nở đã yêu nhau. Tình yêu ấy là tình yêu. Tình yêu ấy không khác biệt với tình yêu của những kẻ khác xinh đẹp hơn, giàu có hơn hay kẻ có quyền thế.
Tôi thích cái cách diễn đạt một đêm yêu của Chí Phèo và Thị Nở của vở nhạc kịch. Âm nhạc, vũ điệu, ánh sáng và ca từ. Thì thầm khe khẽ, du dương êm đềm. Và rồi sấm chớp, và rồi mưa giông. Và rồi vượt xa hơn thế, họ bay lên với hạnh phúc tỏa ngời trong cái ánh sáng của đêm trăng – rất sáng nhưng mà êm dịu, không chói lòa.
Họ hát “Chúng ta thành vợ thành chồng. Em là đàn bà, anh là đàn ông”. Tôi thấy câu này thật hay. Nó không chỉ là cái ước muốn yêu thương, ước muốn có một gia đình. Mà còn là cái khao khát làm một người đàn bà, làm một người đàn ông, thật bình thường.
“Chúng ta muốn là người bình thường/ Chỉ đơn giản là người bình thường/ Ai cũng muốn mình được yêu thương…” Hai chữ “bình thường” là điều Chí và Nỡ khát khao biết bao khi họ tìm thấy nhau. Bởi vì, một người bình thường, một cuộc sống bình thường là một cuộc đời có nghĩa. Và con người ta nói chung, có điều gì hạnh phúc hơn là được sống bình thường với những nhu cầu được cân bằng.
Và với tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở trong vở nhạc kịch này cho tôi cảm nhận rằng, TÌNH YÊU THẬT ĐẸP ĐẼ, TÌNH YÊU LÀ MỘNG TƯỞNG VÀ THỰC TẾ NGHIỆT NGÃ CŨNG LÀ TÌNH YÊU.
Chữ “lương thiện”
Vở nhạc kịch dường như muốn nhấn mạnh “bình thường” nhiều hơn là “lương thiện”. Cũng dễ hiểu, bởi dù cái xấu cái ác thời nào cũng có nhưng sự “bình thường” vẫn là phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại hơn và hàm ý sát nghĩa hơn.
Bà cô của Thị Nở nói rằng, Chí không phải là con người mà là con quỷ. Mà Thị Nở không thể lấy một con quỷ được, cháu bà ta phải lấy một người lương thiện. Sau một hồi tự hỏi về sự “ít nhiều lượng thiện” trong mình, Chí vác dao đến gặp Bá Kiến đòi lương thiện. Nhưng Bá Kiến nói đúng, ông ta làm gì có lương thiện mà cho. Chí giết Bá Kiến nhưng Bá Kiến không chết.
Và rồi Chí thấy Thị Nở và đứa trẻ trong nôi. Chí không đòi lương thiện nữa. Chí không tiếp tục muốn giết Bá Kiến nữa. Mà Chí đâm chính mình. Có lẽ Chí gìết chính mình vì đứa con. Vì muốn con mình có một khởi đầu khác. Bá Kiến không ch.ết, vì Bá Kiến có chết, Chí cũng không đòi được thiện lương mà lại giết thêm một là người!?
Nhân vật Tự Lãng
Đây là nhân vật tôi thấy thích thú trong vở nhạc kịch. Nhờ vào âm nhạc, lời hát, diễn xuất của nhân vật.
Nếu trong “Chí Phèo”, Tự Lãng là một “lão” thầy cúng kiêm hoạn lợn. Vở nhạc kịch đưa đến một Tự Lãng khác, trẻ và có cái vẻ phóng khoáng. Tự Lãng nói với Chí Phèo một triết lý rằng, mọi chuyện trên đời xảy ra đều có lý do, “người ta gặp trong đời là người ta phải gặp, người ta gặp trong đời là người ta cần gặp.”
Và cuộc gặp giữa Chí Phèo – Tự Lãng cũng không đơn thuần là giữa những tửu đồ, mà như một sự chuẩn bị cho những gì xảy đến tiếp theo trong đời Chí, dẫu đến nấc thứ hai, nấc thứ ba của cuộc đời thì ai mà đoán biết trước được.
Âm nhạc và diễn xuất trong vở nhạc kịch
Tôi đi xem vở nhạc kịch, bên cạnh vì yêu tác phẩm văn học, thì còn vì muốn nghe câu chuyện được kể bằng lời lát, bằng hình thể, nhảy múa. Và quả thực, vở nhạc kịch mang đến cảm giác thật đã tai.
“Giấc mơ Chí Phèo” là sự phối kết hòa lẫn của nhiều thể loại nhạc khác nhau. Từ nhạc cổ điển, rock, hát Xẩm cho đến Rap… Và tôi đặc biệt ấn tượng với màn nhảy múa đương đại của các dancers ở phần cái bóng của Chí Phèo và phần diễn tả về tình yêu lãng mạn của Chí Phèo và Thị Nở.
Và ngôn từ, và ngôn từ
“Bình thường”, “lương thiện”, “gió mát trăng thanh”, “đàn ông”, “đàn bà”… cũng là những từ chạm đến tôi.
Và tôi thích đoạn ru hời phần cuối vở nhạc kịch, lời ru Thị Nở ru con. Rằng, mẹ ru, ơi hời ru, mấy tiếng ru hời làm sao rửa sạch một đời lầm than. Đặc biệt, là cái câu “thiện trong là ở lời mẹ ru”.
Cả cuộc đời Chí, điều day dứt thứ nhất là câu hỏi “Cha mày là ai, mẹ mày là ai”, nguồn gốc mình là ai. Nên Chí đã mơ một giấc mơ rất dài về điều này. Hẳn rằng, Chí sẽ biết về cái “thiện trong” ấy nếu Chí sinh ra có mẹ có cha. Thị Nở ru con và có lẽ cũng là hát cho Chí.
“Thiện trong là ở lời mẹ ru”. Lời ru là những âm thanh đầu đời mà một đứa trẻ được nghe. Và con của Chí và Thị Nở đã được nghe lời mẹ ru, được nghe những lời thiện trong, được âu yếm, được yêu thương.
Đoạn hát Xẩm cuối bài hát rằng, người ta sinh ra vốn là một đứa trẻ thiện lương, nhưng dòng đời xô đẩy bởi cái ác cái xấu. Thế nên khi lớn lên ta luôn muốn trở về những ngày ấu thơ.
.Và một điểm nữa,
tôi chú ý đến thiên nhiên trong vở nhạc kịch
Đêm mùa hè bên bờ sông, Thị Nở nói “gió mát trăng thanh”, Thị Nở bước xuống bậc thềm và âm nhạc du dương nhẹ nhàng.
Và cũng giữa đêm gió mát trăng thanh ấy, hai kẻ tửu đồ Chí Phèo và Tự Lãng ngồi uống rượu.
Trăng và gió là hai yếu tố thiên nhiên, cũng là yếu tố nghệ thuật trở đi trở lại trong tác phẩm này. Bởi bối cảnh là một làng quê, mà thôn quê gió mát trăng thanh luôn tràn ngập những đêm hè. Nhưng hơn thế, gió mát trăng thanh cũng là cái mộng gió trăng, mộng tình yêu lãng mạn, thuần khiết mà Chí và Thị Nở đều mơ, đều khao khát.
Tôi đi bộ một đoạn dài giữa đêm mùa đông sau vở nhạc kịch. Đôi lần như lúc ấy, tôi muốn có ai đó để chia sẻ chút hạnh phúc của hiện tại này – vì được xem một vở nhạc kịch từ văn học Việt Nam. Đôi lần tôi nghĩ, khi đi xem kịch, khi đi nghe nhạc và bộ hành trong đêm, giá có ai đó sẻ chia với tôi những tình cảm này. Nhưng rốt cuộc, việc viết ra vẫn là tất cả, việc viết ra vẫn là sự giải bày tỏ tường nhất, cho chính ta.
*Lời hát tôi ghi lại bằng trí nhớ, nên có thể không chính xác tuyệt đối
RECENT COMMENTS